Rau Mùi Tây Là Cây Gì? Tác Dụng Và Những Bài Thuốc Từ Rau Mùi Tây

Rau mùi tây hay còn gọi là mùi tây, ngò tây,… đây là một loại thực phẩm chứa hàm lượng nước, chất khoáng và vitamin cao. Nhờ chứa những thành phần có lợi, rau mùi tây có tác dụng lợi tiểu và giúp cân bằng lượng đường trong máu. Không những thế, chúng còn giúp ngăn ngừa các tác động thoái hóa của bệnh tiểu đường lên gan và hỗ trợ làm giảm viêm sưng do viêm khớp gây nên.

Rau mùi tây là cây gì?

+ Tên khác: Mùi tây, ngò tây

+ Tên khoa học: Petroselinum crispum

+ Họ: Hoa Tán (Apiaceae)

Rau mùi tây có nguồn gốc từ khu vực Địa Trung Hải. Ngày nay, thảo mộc này được trồng và sử dụng rộng rãi trên khắp các nơi trên thế giới. Cụ thể, đối với loại mùi tây lấy củ được trồng nhiều ở các nước Châu Âu, trừ Pribaltic và Scandinavia. Ở Nga, loại ngò tây này được tìm thấy nhiều ở miền nam Siberi, Moskva và Viễn Đông.

Còn đối với các loài rau mùi tây lấy lá, người dân thường trồng ở các vĩ độ cao hơn. Chẳng hạn ở Bắc Mỹ, loại rau này được tìm thấy nhiều ở miền nam Canada và vùng miền bắc Hoa Kỳ.

Theo các nghiên cứu cho biết, 30 gram rau mùi tây thái nhỏ chứa các thành phần hóa học sau:

  • Protein: 1 gram
  • Chất xơ: 1 gram
  • Chất béo: ít hơn 1 gram
  • Carbs: 2 gram
  • Calo: 11 calo
  • Vitamin A: 108% lượng tiêu thụ hàng ngày (RDI)
  • Vitamin K: 547% RDI
  • Vitamin C: 53% RDI
  • Folate: 11% RDI
  • Kali: 4% RDI

Ngoài các thành phần này, mùi tây còn chứa lượng lớn tinh dầu, bao gồm tecpen, apein, pinen và apiol. Bên cạnh đó, dược liệu này còn chứa các chất chống oxy hóa như flavonoid (apigenin) và caroten,…

Đặc điểm nhận dạng rau mùi tây

Rau mùi tây là một loại cây thân thảo, có thân thẳng đứng, cao khoảng 20 – 50 cm. Lá cây màu xanh, có chia thùy ở phần phía trên. Tán kép nhỏ không có bao chung, thường mang 3 tán và mỗi tán mang cỡ 10 – 15 hoa. Hoa mùi tây có màu trắng, có 5 lá đài nhỏ và có 5 cánh hoa nguyên, có 2 vòi nhụy. Qủa mùi tây tròn và dài khoảng 4 mm.

Mùi tây được chia thành 3 loại chính:

  • Mùi tây thường: Có tên khoa học là P. crispum
  • Mùi tây lá quăn: P. neapolitanum
  • Mùi tây lấy củ: P. crispum tuberosum

Trong khi đó, mùi tây dùng làm thuốc chữa bệnh thường là loại lá phẳng Italia và loại lá quăn Pháp.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản:

  • Bộ phận dùng: Toàn thân
  • Thu hái: Quanh năm
  • Chế biến: Sau khi hái đem về rửa sạch và phơi khô
  • Bảo quản: Nhiệt độ phòng

Rau mùi tây có tác dụng gì?

  • Tính vị: tính ôn, vị cay
  • Rau mùi tây có các tác dụng chính sau:

Giảm nguy cơ ung thư

Theo các chuyên gia, việc sử dụng rau mùi tây thường xuyên sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và da. Bởi trong thảo dược này có chứa lượng lớn hoạt chất flavonoid cao gọi là apigenin. Thành phần này có tác dụng chống viêm và chống ung thư khá tốt.

Hỗ trợ sức khỏe xương

Mùi tây chứa nhiều vitami K, đây là một trong những dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe của xương. Hoạt chất này giúp xây dựng xương chắc khỏe bằng cách hỗ trợ tế bào tạo xương. Chưa kể đến, vitamin K còn giúp kích hoạt một số protein làm tăng mật độ khoáng xương. Từ đó, giúp làm giảm nguy cơ loãng và gãy xương

Bảo vệ mắt

Zeaxanthin, Lutein và beta carotene là ba loại carotenoid có trong rau mùi tây có tác dụng bảo vệ mắt, đồng thời thúc đẩy thị lực, giúp mắt khỏe mạnh hơn. Hơn nữa, hoạt chất Zeaxanthin và Lutein có thể giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do yếu tố tuổi tác gây nên.

Do đó, giúp làm chậm căn bệnh này ở người cao tuổi, đồng thời giảm nguy cơ mù lòa. Bên cạnh đó, lượng lớn vitamin A có trong thảo dược này có tác dụng bảo vệ giác mạc, giúp mắt tránh khỏi những tổn thương do tác nhân từ bên ngoài gây ra

Cải thiện sức khỏe tim

Lượng folate có trong rau mùi tây khá cao, giúp tằng cường sức đề kháng và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Tác dụng kháng khuẩn

Rau mùi tây có đặc tính kháng khuẩn, có tác dụng kháng nấm men, nấm mốc và một số loại vi khuẩn gây nhiễm trùng như S. aureus, Listeria và Salmonella.

Ngăn ngừa sỏi thận

Một số nghiên cứu trên chuột cho thấy, rau mùi tây có tác dụng giúp tăng lượng nước tiểu và giảm bài tiết canxi trong nước tiểu. Do đó, dược liệu này được xem như chất lợi tiểu tự nhiên, giúp tăng đi tiểu và ngăn ngừa hình thành sỏi thận

Điều hòa kinh nguyệt

Hoạt chất myristicin và apiole có trong rau mùi tây có thể giúp tăng sản xuất estrogen và cân bằng hormone. Bên cạnh đó, thảo mộc này cũng hoạt động như một chất kích thích chu kỳ kinh nguyệt (emmenagogue), giúp điều hòa kinh nguyệt

Kiểm soát lượng đường trong máu

Rau mùi tây thường được sử dụng như vị thuốc giúp làm giảm lượng đường trong máu tự nhiên, đồng thời giúp cải thiện chức năng sức khỏe của gan

Ngoài các tác dụng này, dược liệu còn hỗ trợ cải thiện các bệnh lý như:

  • Viêm phế quản, hen hoặc ho
  • Sốt rét
  • Chữa vết thương ngoài da do côn trùng cắn
  • Mặt nạ điều trị da thường dành cho người có loại da dầu

Liều lượng, cách dùng rau mùi tây

Mùi tây có thể dùng dưới dạng pha trà, thuốc sắc, thuốc đắp ngoài hoặc trong chế biến món ăn. Liều dùng tối đa mỗi ngày là 25 – 50 gram.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ rau mùi tây

Làm thức uống lợi tiểu, chống viêm và cải thiện sức khỏe

– Chuẩn bị:

  • Mùi tây: 2 chén
  • Dưa chuột: 2 quả
  • Nước cốt chanh: 3 muỗng
  • Táo: 1 quả
  • Bột gừng: 1/4 muỗng cà phê
  • Nước suối: 2 chén
  • Cần tây: 1 thanh

– Cách làm đơn giản:

  • Tất cả các nguyên liệu sau khi rửa sạch đem thái nhỏ
  • Sau đó cho vào máy xay sinh tố, thêm nước và xay nhuyễn

Sau khi xay mịn, bạn đổ ra ly thêm đường hoặc mật ong và uống. Thường xuyên uống nước ép từ rau mùi tây không chỉ giúp lợi tiểu mà còn tăng cường sức khỏe. Đồng thời, thức uống này còn giúp làm sáng và đẹp da.

Chữa côn trùng cắn

Dùng 1 nắm lá rau mùi tây đem rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng da bị côn trùng cắn. Thực hiện đắp đều đặn 2 – 3 lần mỗi ngày, chỉ sau vài ngày, vết sưng sẽ thuyên giảm đáng kể.

Trà mùi tây giúp giảm cân, chữa phù chân và thanh lọc thận

– Nguyên liệu:

  • Mùi tây băm nhỏ: 5 thìa
  • Mật ong: Lượng ít hoặc nhiều tùy người
  • Nước: 1 lít

– Cách làm:

  • Sau khi đun sôi nước, tắt bếp
  • Tiếp đó cho rau mùi tây vào ngâm trong vòng 30 phút
  • Cuối cùng đổ ra ly và thêm mật ong vào uống

Trà mùi tây chỉ nên uống 2 ly mỗi ngày. Lượng uống không vượt quá 1.000 ml. Lưu ý, trong quá trình sử dụng trà mùi tây giảm cân, không nên ăn những thức ăn không lành mạnh. Bởi việc sử dụng quá nhiều chất béo hoặc đồ ăn nhanh, có thể không mang lại hiệu quả trong việc giảm cân.

Lưu ý khi sử dụng rau mùi tây

Mặc dù rau mùi tây mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng trong quá trình ứng dụng, các bạn nên xem xét các thông tin và tác dụng phụ tiềm ẩn sau đây:

  • Phụ nữ mang thai nên tránh tiêu thụ lượng lớn mùi tây vì các hoạt chất chứa trong nguyên liệu này có tác dụng co bóp tử cung. Do đó, sử dụng quá liều có thể gây sẩy thai hoặc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cả mẹ và bé
  • Người mắc chứng máu khó đông hoặc vừa mới phẫu thuật không nên dùng mùi tây. Bởi trong dược liệu này chứa nhiều vitamin K gây ảnh hưởng đến quá trình đông máu
  • Không sử dụng mùi tây nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu như warfarin (Coumadin) để tránh hiện tượng tương tác thuốc
  • Người đang dùng thuốc lợi tiểu không nên dùng mùi tây để tránh tình trạng mất nước quá mức gây suy nhược cơ thể và một số vấn đề sức khỏe khác
  • Người bị thiếu máu, huyết áp thấp, sỏi thận không nên dùng

Như vậy, rau mùi tây là dược liệu mang lại nhiều tác dụng hữu ích trong việc phòng và điều trị bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng quá liều dược liệu này trong thời gian dài có thể gây tác dụng phụ tiềm ẩn. Do đó, để hạn chế những rủi ro, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng hợp lý dùng trong làm thuốc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *