Lá mơ là cây gì?
- Tên khác: Mơ tam thể, lá thúi địch, mơ tròn, ngưu bì đống, mơ leo, dây mơ lông
- Tên khoa học: Paederia tomentosa
- Họ: Cà phê
Cây lá mơ được tìm thấy ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên nhiều nhất là ở các vùng Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam. Ở nước ta, cây có mặt ở khắp nơi. Nó được trồng làm hàng rào và lấy lá làm thực phẩm, dược liệu. Ngoài ra, cây còn phát triển ở các bụi rậm, bờ vườn.
Lá mơ là bộ phận được sử dụng nhiều nhất. Đôi khi thân và rễ cũng được dùng trong một số bài thuốc chữa bệnh. Lá mơ được thu hái bất kì thời điểm nào trong năm. Lá đem về sẽ được đem sử dụng ngay ở dạng tươi hoặc phơi khô với số lượng lớn dùng dần. Phần thân, rễ cũng được đem cắt ngắn. Dùng tươi hoặc phơi khô.
Đặc điểm nhận dạng cây lá mơ
Cây lá mơ thuộc dạng thân leo, dễ phát triển. Cây có lá hình trứng, mọc đối, một đầu nhọn, màu tím nhạt ở mặt dưới và màu xanh ở mặt trên. Ở giữa lá có đường gân nổi rõ được bao phủ bằng một lớp lông mịn ở trên. Phía dưới lá có cuống mảnh.
Hoa cây lá mơ mọc thành chùm ở nách lá hoặc trên ngọn, hình loa kèn. Hoa có 6 cánh màu trắng, ở giữa màu tím nhạt. Quả hơi tròn, dẹt, được bao phủ bằng một lớp vỏ mỏng màu vàng. Bên trong quả chứa 2 nhân dẹt, có cánh màu nâu đen.
Toàn thân cây khi vò nát sẽ bốc mùi thối khó chịu. Cây có khả năng sinh trưởng mạnh và rất dễ phát triển. Hiện tại Việt Nam có khoảng 5 loại cây lá mơ khác nhau. Trong đó, lá mơ lông được sử dụng phổ biến nhất.
Thành phần hóa học có trong lá mơ
Lá mơ chứa nhiều tinh dầu, trong đó bao gồm các chất như:
- Bisulfur carbon
- Alcaloid
- Paederin
- Scanderoside
- Sulfur dimethyl disulphit
Ngoài ra, phân tích thành phần của lá mơ, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy methyl mercaptan. Đây chính là hoạt chất tạo nên mùi thối đặc trưng của loại lá này.
Lá mơ có tác dụng gì?
- Tính vị: Lá mơ lông có tính bình, mát, vị ngọt, hơi đắng
Nghiên cứu hiện đại cho thấy hoạt chất sulfur dimethyl disulphit trong lá mơ có tác dụng tương tự như kháng sinh. Nó giúp kháng viêm, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó thành phần paederin ( alkaloid ) cũng thể hiện hoạt tính sinh lý cao đối với hệ thần kinh của người.
Theo y học cổ truyền, lá mơ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, khu phong, lợi thấp, kích thích tiêu hóa, kháng viêm, giảm đau, hoạt huyết, tiêu sưng, giảm ho. Chủ trị các chứng:
- Tiêu chảy
- Ăn không tiêu
- Đau nhức xương khớp
- Phong thấp
- Kiết lỵ, lỵ amid
- Suy dinh dưỡng, tiêu hóa kém ở trẻ em
- Ho gà
- Chấn thương, nhiễm trùng ngoài da
- Viêm tai giữa và một số căn bệnh khác.
Liều lượng, cách dùng lá mơ
Ngày 10 – 20g dạng sắc uống hoặc ngâm rượu thoa bóp ngoài da.
Một số bài thuốc sử dụng lá mơ chữa bệnh
Điều trị đau nhức xương khớp, phong thấp ở người già
- Cách 1: Nấu thân và lá mơ lấy nước uống vài lần trong ngày
- Cách 2: Giã nát lá mơ, thêm một ít rượu và nước sôi vào, trộn đều. Chắt nước uống
- Cách 3: Dùng 1 kg thân và lá mơ khô đem ngâm với 2 lít rượu. Để khoảng 10 ngày có thể uống được. Mỗi ngày dùng 1 – 2 ly hoặc lấy rượu lá mơ thoa bóp bên ngoài khớp bị đau.
Chữa ăn không tiêu, sôi bụng
- Chuẩn bị: 1 nắm lá mơ
- Cách dùng: Rửa sạch với nước muối, ăn sống hoặc giã nát lấy nước uống liên tục 2 – 3 ngày liền.
Điều trị bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: Lá mơ lông tươi
- Cách dùng: Rửa lá mơ lông cho sạch rồi đem hơ trên lửa cho héo. Vò lá rồi nhét vào bên lỗ tai bị bệnh. Thực hiện cách này vào buổi tối trước khi đi ngủ và để qua đêm. Lá mơ sẽ hút hết mủ và dịch trong tai, đồng thời sát khuẩn, giúp trẻ bớt đau.
Trị tiêu chảy do nhiệt
- Chuẩn bị: 16 gam lá mơ và 8 gam nụ sim
- Cách dùng: Kết hợp 2 nguyên liệu trên sắc với 500ml nước. Đun lửa liu riu cho đến khi nước sắc cô đặc còn khoảng 200ml thì ngưng. Gạn ra chia 2 lần uống. Bài thuốc này dùng trong các trường hợp bị đi lỏng nhiều lần trong ngày, phân có mùi khẳm kèm theo tình trạng chướng hơi, đau quặn bụng, môi khô, hay khát nước, nóng rát ở hậu môn, nước tiểu màu vàng đậm.
Chữa hội chứng ruột kích thích (IBS)
- Chuẩn bị: 40 – 100g lá mơ, 10g gừng tươi, 1 lòng đỏ trứng gà
- Cách dùng: Lá mơ thái nhuyễn, gừng giã lấy nước cốt, trứng gà đánh cho tan. Trộn cả 3 nguyên liệu trên với nhau, đem hấp chín. Dùng mỗi ngày 2 lần khi còn nóng.
Chữa bệnh đau dạ dày
- Chuẩn bị: 30g lá mơ
- Cách dùng: Say nhuyễn lá mơ cùng một cốc nước đun sôi để nguội và lọc nước uống. Dùng một lần mỗi ngày trong một thời gian để kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh đau dạ dày.
Điều trị bí tiểu do sỏi thận
- Chuẩn bị: 100g lá mơ
- Cách dùng: Sắc lá mơ lấy nước chia làm 2 – 3 phần đều nhau uống hết trong ngày
Điều trị nhiễm giun sán, giun kim
- Cách 1: Chuẩn bị 50g lá mơ tươi, một ít muối ăn. Xay lá mơ lấy nước cốt rồi thêm muối vào quậy tan. Uống hỗn hợp này vào buổi sáng sớm lúc mới ngủ dậy.
- Cách 2: Lấy ngọn non và lá mơ ngâm trong nước đun sôi để nguội vài tiếng. Dùng nước này tháo thụt hậu môn vào buổi tối trước khi đi ngủ để trị giun kim.
Chữa co giật
- Chuẩn bị: 15 – 60g lá mơ tươi, vài hạt muối ăn
- Cách dùng: Say nhuyễn lá mơ cùng 1 bát nước ấm. Lọc nước cốt, thêm muối vào quấy đều cho tan. Uống hỗn hợp này trước khi ăn.
Làm mau lành vết thương ngoài da
- Chuẩn bị: Vài cái lá mơ lông
- Cách dùng: Giã nát lá mơ lông và đắp trực tiếp vào khu vực tổn thương mỗi ngày 2 lần. Trước khi dùng lưu ý rửa kỹ lá mơ với nước muối để diệt khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng cho vết thương.
Điều trị bệnh thấp khớp, bí tiểu tiện
- Chuẩn bị: 60g lá mơ tươi
- Cách dùng: Đun sôi 300ml nước rồi cho lá mơ vào. Nấu thêm 15 phút nữa, vớt bỏ xác lá. Nước giữ lại để nguội còn hơi âm ấm uống hết trong 1 lần.
Trị cảm lạnh
- Chuẩn bị: 25 cái lá mơ
- Cách dùng: Ăn sống kèm với cơm hoặc hấp chín ăn
Điều trị viêm loét
- Chuẩn bị: 1 nắm lá mơ lông
- Cách dùng: Xay nhuyễn lá mơ với một chén nước bằng máy xay sinh tố. Lọc nước chia 3 lần uống.
Điều trị bệnh kiết lỵ
- Cách 1: Xay 60g lá mơ lông với 1 bát nước ấm và vài hạt muối ăn. Lọc nước uống trước bữa ăn
- Cách 2: Nguyên liệu cần có gồm 1 nắm lá mơ và 1 quả trứng gà. Cắt nhỏ lá mơ rồi đập trứng vào đánh lên cho đều, đem rán chín ăn 1 – 2 lần mỗi ngày.
- Cách 3: Dùng lá mơ lộng và lá phèn đen mỗi thứ 1 nắm. Giã lấy nước cốt uống ngày 2 – 3 lần.
- Cách 4: Dùng lá mơ và lá cổ trâu mỗi loại 20g, lá lốt và nụ sim mỗi loại 10g. Đem hỗn hợp trên sắc cùng 700ml nước lấy 200ml. Chia uống 2 lần.
- Cách 5: Chuẩn bị 30g lá mơ, 20g mã xì hiện, 25g cỏ sữa, 5g sơn kỳ lương, 5g bạch thược, vỏ măng cụt và hạt cau khô mỗi loại 10g. Sắc uống tương tự như bài thuốc số 4.
Chữa bệnh ho gà
- Chuẩn bị: 150g lá mơ, 250g đẹt ác, 250g cỏ mần trầu, 250g cỏ mực, 250g rễ chanh, 50g gừng tươi, 100g vỏ quýt, 150g cam thảo dây, 250g rau má, đường kính.
- Cách dùng: Tất cả các vị thuốc đem sắc cùng 6 lít nước. Nấu cạn còn 1 lít thêm đường vào sao cho hơi ngọt ngọt là được. Chia uống 3 lần, mỗi ngày 1 thang.
Trị mụn, chữa bệnh ghẻ
- Chuẩn bị: Vài cái lá mơ
- Cách dùng: Rửa sạch lá mơ, giã nát lấy nước cốt chấm trực tiếp lên các nốt ghẻ hoặc mụn.
Ngăn ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ em
- Chuẩn bị: 20g rễ cây lá mơ và 1 cái dạ dày lợn
- Cách dùng: Cà 2 nguyên liệu đem rửa sạch, cắt nhỏ, cho vào nồi hầm nhừ. Thêm một ít gia vị vào cho trẻ ăn 2 tháng 1 lần.
Thuốc tẩy giun từ lá mơ
- Chuẩn bị: 50g lá mơ, 50g bột hạt trâm bầu và 100g bột nếp.
- Cách dùng: Đem hỗn hợp trên nhồi với 1 ít nước, vo viên, hấp cách thủy cho chín. Ăn vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Lưu ý không ăn thêm gì khác mà nhịn đến trưa. Thực hiện liên tục 3 – 5 ngày sẽ giúp làm sạch giun trong đường ruột.
Chữa bệnh nấm ngoài da, chàm (eczema) và bệnh giời leo
- Chuẩn bị: 1 nắm thân và lá mơ.
- Cách dùng: Nghiền nát bôi vào khu vực da bị tổn thương
Làm tăng tiết sữa ở phụ nữ sau sinh
- Chuẩn bị: Bột nếp, lá mơ
- Cách dùng: Lá mơ cắt nhỏ rồi đem nhồi với bột nếp sao cho hỗn hợp hơi dền dệt. Cho lên bếp xào nóng chườm vào hai bên ngực trong khoảng 1 tiếng sẽ kích thích tiết ra nhiều sữa hơn.
Giảm đau và các triệu chứng khó chịu khi bị đau bụng, chướng hơi, bí tiểu
- Chuẩn bị: 15 – 60g lá mơ
- Cách dùng: Sắc lá mơ đã chuẩn bị cùng với 3 chén nước. Gạn lấy nước sắc pha chung với 1 chén nước ép trái cây bất kì và uống ngày 1 lần. Hỗn hợp này không chỉ có tác dụng giảm đau mà còn giúp nhuận tràng, kích thích tiêu hóa, lợi tiểu, làm tăng vị giác.
Điều trị bệnh lỵ amip
- Chuẩn bị: 50g lá mơ lông, 150g cỏ mực, 30g lá đại thanh, 12g dây ba mươi, 16g hạt cau khô, 8g vỏ cây đại.
- Cách dùng: Hạt cau khô sao vàng, vỏ cây đại cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài sao vàng. Đem tất cả sắc uống ngày 3 lần. Uống sau khi ăn 30 phút. Dùng mỗi ngày 1 thang liên tục trong 2 tuần. Trường hợp đi ngoài nhiều lần thì cắt giảm vỏ đại.
Chữa ăn không tiêu dẫn đến đau tức thượng vị
- Chuẩn bị: 30 – 60g rễ hoặc dây mơ tươi ( tương đương 10 – 20g khô )
- Cách dùng: Sắc uống 3 lần trong ngày
Trị bệnh gout
- Chuẩn bị: Lá và dây mơ
- Cách dùng: Dây mơ cắt khúc ngắn đem phơi khô cùng với lá, sao vàng, hạ thổ. Mỗi ngày lấy 30 – 50g sắc với 3 bát nước lấy 1 bát uống.
Giãn gân, hoạt lạc
- Chuẩn bị: Rễ cây lá mơ, chân giò lợn
- Cách dùng: Đem 2 thứ nấu thành canh ăn mỗi tuần 2 – 3 lần
Lưu ý khi sử dụng lá mơ chữa bệnh
Lá mơ được đánh giá là khá an toàn khi dùng theo đường uống và đường bôi ngoài da. Mặc dù vậy khi sử dụng bạn cũng cần lưu ý:
- Sử dụng lá mơ sạch để làm thuốc. Dù ăn sống, đắp ngoài hay sắc nước uống cũng nên ngâm với nước muối khoảng 20 phút để khử khuẩn.
- Dùng đúng liều lượng được khuyến cáo hoặc theo hướng dẫn của thầy thuốc
- Không dùng lá mơ nếu bạn bị dị ứng với bất cứ thành phần nào của loại lá này
Lá mơ là cây gì? Lá mơ là vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, kháng khuẩn, giảm đau, chủ trị tiêu chảy, ho gà, đau nhức xương khớp, ăn không tiêu… tuy nhiên bạn cần hỏi ý kiến chuyên gia, bác sĩ trước khi sử dụng lá mơ chữa bệnh để mang lại hiệu quả cao nhất.