Cây duối là cây gì?
- Tên gọi khác: Duối nhám, ruối, mạy xói,…
- Tên khoa học: Streblus asper Lour
- Họ: Dâu tằm (danh pháp khoa học: Moraceae)
Cây duối phân bố nhiều ở nước ta và thường được trồng để làm hàng rào vì có cành chằng chịt. Ngoài ra, một số nơi cũng sử dụng nhựa duối để làm dược liệu.
Rễ tươi, rễ khô, thân và lá của cây duối được thu hái để làm thuốc. Nhựa của cây có chứa 23% cao su và 76% nhựa.
Dược liệu thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hoặc thái nhỏ và phơi khô để dùng dần.
Đặc điểm nhận dạng cây duối
Cây duối có chiều cao từ 4 – 8m, sống lâu năm và có cành chằng chịt. Phiến lá có hình trứng, rộng khoảng 15 – 35mm và dài từ 2.5 – 7cm, mặt lá không có lông, nhám, cứng và có răng cưa ở mép.
Hoa cái và hoa đực mọc khác gốc, hoa cái mọc đơn lẻ ở trên 1 cuống, trong khi đó hoa đực mọc tập trung ở đầu cuống của các cành ngắn. Quả thịt, to bằng hạt tiêu và có màu vàng nhạt.
Cây duối có tác dụng gì?
Tính vị: Vị chát, đắng, tính mát.
Qui kinh: Quy vào kinh Can.
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Dược liệu có tác dụng chống sốt rét, dị ứng, ung thư và chống oxy hóa.
- Đặc tính diệt côn trùng và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
– Theo Đông Y:
- Tác dụng: Sát trùng, thông huyết, thanh nhiệt, sát khuẩn, cầm máu và giải độc.
- Chủ trị: Tiêu chảy, đau bụng, đau nhức xương khớp do phong thấp, sâu răng,…
Liều lượng, cách dùng – liều lượng cây duối
Dược liệu có thể được dùng tại chỗ hoặc sắc uống.
Liều dùng trung bình từ 12 – 20g.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây duối
1. Bài thuốc chữa mụn nhọt sưng đau (khi chưa vỡ mủ)
- Chuẩn bị: 1 ít nhựa duối.
- Thực hiện: Tẩm nhựa vào giấy bản rồi dán lên mụn trong 3 giờ, ngày thực hiện 2 lần cho đến khi khỏi.
2. Bài thuốc chữa tiểu đỏ và bí tiểu do nóng trong người
- Bài thuốc 1: Dùng rễ và cành duối 20g, đem rửa sạch, thái nhỏ và sắc với 500ml nước, còn lại 250ml và chia thành 3 lần uống. Thực hiện từ 2 – 3 liệu trình, mỗi liệu trình kéo dài 10 ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị rễ nhót và vỏ rễ duối mỗi thứ 20g. Sau đó đem sao vàng, thêm 750ml nước vào sắc còn lại 300ml, chia thành 3 lần uống.
3. Bài thuốc trị đau nhức răng do sâu răng
- Chuẩn bị: Vỏ cây duối 20g.
- Thực hiện: Thái mỏng và sắc lấy nước đặc, ngậm rồi nhổ ra.
4. Bài thuốc chữa đái buốt và nước tiểu đục
- Chuẩn bị: Cỏ nhọ nồi, rễ cây nhót và vỏ rễ cây duối mỗi thứ 20g, râu ngô, bạch mao căn và bông mã đề mỗi thứ 30g.
- Thực hiện: Đem sắc với 750ml nước, còn lại 300ml, đem chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày. Thực hiện liên tục trong 10 ngày là kết thúc 1 liệu trình.
5. Bài thuốc trị đau nhức trán, đau đầu và hai bên thái dương do thời tiết thay đổi đột ngột
- Chuẩn bị: 1 ít nhựa duối.
- Thực hiện: Phết mủ lên giấy có đường kính khoảng 3cm và thêm 1 ít vôi tôi lên rồi dán lên hai bên thái dương. Có thể dán thêm 1 miếng giấy lên ấn đường. Ngày thực hiện 1 – 2 lần có tác dụng giảm đau nhanh chóng.
6. Bài thuốc điều trị đầy trướng bụng và bí tiểu
- Chuẩn bị: Thân và rễ duối khô 20g.
- Thực hiện: Đem sắc với 600ml, còn lại 300ml và chia thành 3 lần uống, dùng hết trong ngày.
7. Bài thuốc lợi sữa, kiết lỵ và băng huyết
- Chuẩn bị: 50g lá duối tươi hoặc 20g lá duối khô.
- Thực hiện: Sắc uống hằng ngày, ngày dùng 1 thang.
Lưu ý khi sử dụng cây duối chữa bệnh
- Phụ nữ mang thai và người có tình trạng sức khỏe đặc biệt nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cây duối.
- Dược liệu này có thể gây dị ứng (tiêu chảy, phát ban da, ngứa da,…) ở một trường hợp.
Tóm lại, cây duối giúp điều trị đau nhức xương khớp, bí tiểu, đầy trướng bụng, bí tiểu,… Tuy nhiên bên cạnh việc áp dụng bài thuốc từ dược liệu này, bạn cần phối hợp với thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ngoài ra trong một số trường hợp cần thiết, nên sử dụng đồng thời với thuốc điều trị để đạt kết quả tốt.