Thục quỳ là cây gì?
- Tên gọi khác: Hoa mãn đình hồng
- Tên khoa học: Alythaea rosea
- Tên đồng nghĩa: Alcea rosea
- Họ: Malvaceae
Thục quỳ có nguồn gốc từ Trung Quốc và Trung Âu. Ở nước ta, cây thường được trồng nhiều vào dịp Tết Nguyên Đán ở các tỉnh thành như Đà Lạt, Hà Giang, Lào Cai, Tam Đảo, Tuyên Quang hoặc Hà Nội,…
Hoa, lá, hạt và rễ của cây thục quỳ được sử dụng làm dược liệu.
Thục quỳ trong trường hợp dùng làm thuốc thường được thu hái vào cuối vụ khi hoa nở rộ và to. Lá cây có thể thu hái quanh năm nhưng thường thu hoạch nhiều vào mùa xuân. Rễ cây được thu hoạch vào mùa thu đông. Còn đối với hạt thì thường được hái vào mùa hè.
Hoa của cây thục quỳ sau khi thu hái về sẽ được phơi khô trong bóng râm. Lá sau khi hái về có thể dùng tươi hoặc rửa sạch và phơi khô. Hạt sẽ được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Còn riêng rễ, sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch và phơi khô.
Đặc điểm nhận dạng cây thục quỳ
Có thể nhận biết hoa mãn đình hồng thông qua đặc điểm hình thái và sinh thái sau đây:
Hoa mãn đình hồng là loại cây thân thảo sống hàng năm. Cây có thân mọc thẳng đứng, có chiều cao khoảng 2 mét. Lá cây to với phiến lá lớn và dài khoảng 18 cm. Mỗi lá xẻ khoảng 5 – 7 thùy. Các thùy không đều nhau tạo thành hình chân vịt. Cuống lá dài, mặt trên của lá có lông mềm.
Hoa mãn đình hồng có màu đỏ, hồng và đôi khi có màu pha trắng. Hoa thường mọc tập trung ở ngọn cây, có cuống ngắn. Mỗi bông hoa mãn đình hồng thường có kích thước lớn 10 – 15 cm với các cánh hoa xếp sát nhau và xòe ở phần đầu nhìn rất đẹp. Hoa thường nở vào mùa xuân. Quả của mãn đình hồng nằm trong đài.
Cây mãn đình hồng thường phát triển tốt ở điều kiện thời tiết mát và không có gió. Bên cạnh đó, cây cũng cần nhiều ánh sáng để sinh trưởng.
Thành phần hóa học có trong cây thục quỳ
Cây thục quỳ chứa các hoạt chất chính như:
- Pelargonidĩn 7 – glucosid
- Althein
- Quercetin 3 – glucosid
- Kaempferol
- Quercetin
- Petunidin 3 – rhamnosid
- Cyanidin – 3 – glucosid
- Seranin
- Cyanidin 3 – rutinosid
Ngoài các thành phần này ra, mỗi bộ phận của hoa mãn đình hồng chứa các thành phần hóa học khác nhau. Chẳng hạn như:
- Hoa: Chứa nhiều chất nhày Galacturonorhamnan và nhóm Anthocyan (althaein) như Malvidin, Mono Glucosid và Delphinidin. Bên cạnh đó, hoa mãn đình hồng còn chứa lượng lớn nhóm chất oxy hóa Flavonoid như Kaempferol và Quercetin. Ngoài ra, hoa còn chứa các Phytoestrogens và nhóm đường khử Galactose, Rhamnose, Asparagin, Tanin,…
- Hạt: Theo The Wealth of India I, 1948, hạt cây thục quỳ chứa khoảng 11.9% chất dầu thô
- Rễ: Trung dược từ hải III, 1997 cho biết, rễ cây thục quỳ có chứa các hoạt chất như 10,59% Methylpentosan, 20,04% Acid Uronic, 6,86% Pentosan và 7,78% Đường
Cây thục quỳ có tác dụng gì?
Theo Đông y, mỗi bộ phận của cây hoa mãn đình hồng có những tính vị cụ thể sau:
- Hoa: Có tính hàn, vị ngọt, mặn
- Hạt: Tính hàn và vị ngọt
- Rễ: Tính hàn và vị ngọt
Theo Y học cổ truyền, hoa mãn đình hồng có tác dụng hoạt huyết, lợi tiểu, điều kinh, giải độc, nhuận táo và tán ung. Hạt có công dụng thông lâm, hạ nhiệt, lợi tiểu và thông đại tiện. Còn rễ có tác dụng thu liễm, thanh nhiệt, chỉ lỵ và giải độc.
Theo nghiên cứu hiện đại, đặc biệt nghiên cứu tại Christian-Albrechts-Universitat Kiel – Đức cho biết, thành phần hoạt chất Polysaccharid và nhiều chất khác được tìm thấy nhiều trong lá và hoa của cây thục quỳ có những tác dụng chính sau:
- Giúp kháng estrogen: Hoạt chất Anthocyanid và chất chống oxy hóa Flavonoid chứa trong lá thục quỳ có tác dụng phản ứng đối kháng với estrogen. Do đó, giúp tạo ra những biến đổi rối loạn trong chức nawnbg truyền giống ở động vật giống đực. Các thành phần dịch chiết chứa trong lá và hoa của dược liệu này có thể ức chế hoạt động của men Aromatase, đồng thời giúp cản trở thụ thể estrogen. Vì thế, chúng làm ảnh hưởng đến các kháng thể estrogen.
- Chống ho: Dịch chiết từ rễ cây thục quỳ có thể làm giảm sự vận chuyển của các tế bào biểu bì đơn ở thực quản của ếch. Do đó, chúng giúp bảo vệ lớp màng nhầy ở khí quản và thực quản. Từ đó giúp tiêu diệt vi khuẩn, chống bài tiết và co giật, giúp giảm ho.
- Tác dụng giảm đau: Một số nghiên cứu cho thấy, hoạt chất chiết từ hoa thục quỳ có tác dụng làm giản phản ứng đau ở chuột nhắc.
- Chống viêm: Dùng cao cồn hoa thục quỳ với dược tính liều lượng khô là 10 g/kg tiêm vào chuột thí nghiệm bị gây phù bàn chân bởi Dextran hoặc Caragenin. Kết quả cho thấy, dược liệu này có tác dụng làm giảm sưng phù và giúp giảm viêm
- Ức chế và tiêu diệt vi rút: Sử dụng nước sắc lá non của cây thục quỳ sẽ giúp ức chế sự phát triển của vi rút gây bệnh thủy đậu và mụn rộp.
Liều lượng, cách dùng thục quỳ
Hoa mãn đình hồng thường được ở dạng khô hoặc tươi, dưới hình thức thuốc sắc hoặc nghiền thành bột mịn. Liều dùng cụ thể:
- Cành non: 12 – 36 gram khô, còn tươi liều lượng tăng gấp đôi 24 – 72 gram
- Hoa: 6 – 9 gram
- Hạt: 3 – 6 gram
- Rễ: 12 gram
Một số bài thuốc có sử dụng cây thục quỳ
- Điều trị chứng viêm họng sưng đau: Sử dụng 12 gram rễ hoa mãn đình hồng hãm trong nước nóng 15 phút. Sau đó dùng nước này súc miệng hoặc ngậm và nuốt từ từ. Thực hiện đều đặn mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và tối hoặc khi thấy cổ họng xuất hiện triệu chứng ngứa ngáy hay sưng đau.
- Trị bệnh táo bón do ít vận động hoặc nóng trong người: Sử dụng 12 gram hạt thục quỳ đem rửa sạch và cho vào nồi. Sau đó thêm 500 ml sắc cạn còn 300 ml. Chia nước này làm 3 lần và uống trong ngày. Nên uống sau khi ăn. Liệu trình uống liên tục khoảng 5 ngày để đạt được kết quả tốt.
- Chữa kinh nguyệt không đều: Dùng 12 gram rễ thục quỳ đem rửa sạch, cho vào ấm sắc chung với 6 bát nước. Sau khi nước thuốc còn 3 bát, tắt bếp và lọc lấy nước. Chia thuốc làm 3 và uống. Thuốc sắc rễ thục quỳ nên uống trước chu kỳ kinh nguyệt khoảng 15 ngày. Để bài thuốc đem lại tính cải thiện cao, nên uống ít nhất 7 ngày liên tục.
- Điều trị vết thương nông hoặc hẹp và vết thương do bỏng lửa: Hái một nắm lá hoa mãn đình hồng đem rửa sạch và để ráo. Tiếp đó giã nát và đắp lên vết thương ngày 2 lần.
- Trị cảm sốt: Dùng 12 gram hạt hoa mãn đình hồng sắc chung với 6 bát nước và 20 gram bưởi bung. Sau khi thuốc cạn còn 3 bát, chia 3 phần và uống khi còn nóng. Thời gian uống khoảng 3 ngày.
- Chữa đau nhức xương khớp hoặc hắt hơi, sổ mũi: Chuẩn bị 20 gram lá hoa mãn đình hồng tươi, 40 gram hạt lanh và 20 gram hoa cao ích mẫu. Tất cả các vị thuốc sau khi được rửa sạch cho vào ấm, thêm 500 ml nước và sắc. Nước thuốc cạn còn 250 ml, tắt bếp, lọc lấy nước và chia uống 3 lần trong ngày. Để việc uống thuốc trở nên dễ dàng hơn, có thể thêm một ít mật ong vào.
- Chữa tiểu sẻn do nóng: Dùng 5 gram hạt thục quỳ nấu nước chung với 10 gram bông mã đề và 10 gram râu ngô. Dùng nước này uống thay nước lọc. Nên uống liên tục trong 5 ngày giúp cải thiện bệnh đáng kể.
- Chữa bệnh thủy đậu, mụn rộp hoặc giời leo: Sử dụng 30 gram lá cây thục quỳ tươi hoặc 12 gram lá khô sắc chung với 50 gram diếp cá. Dùng nước này uống mỗi ngày. Đồng thời, hái lá diếp cá và thục quỳ tươi, mỗi vị lượng bằng nhau đem rửa sạch và giã nát, vắt lấy nước thoa lên các nốt thủy đậu hoặc mụn rộp. Thực hiện 4 – 6 lần mỗi ngày, chỉ sau vài tuần các nốt mụn sẽ se và khô lại.
- Điều trị cảm cúm, ho, viêm họng hoặc bệnh sởi: Dùng lá thục quỳ, kim ngân hoa và diếp cá, mỗi vị 12 gram khô. Đem tất cả các thảo dược cho vào ấm, thêm nước và 3 lát gừng tươi vào, sắc nước uống hàng ngày. Kiên trì sử dụng 3 – 5 ngày giúp giảm triệu chứng nóng sốt hoặc đau rát ở họng do các bệnh này gây nên.
- Điều trị bụng lạnh đau đi ngoài ra máu và chảy máu, u ruột: Chuẩn bị 30 gram rễ hoa mãn đình hồng, 15 gram bạch thược, 30 gram bạch chỉ và 15 gram bạch khô phàn. Tất cả các vị thuốc đem phơi hoặc sấy khô rồi nghiền thành bột mịn. Cuối cùng trộn đều vào nhau và hoàn viên có đường kính 1 cm. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần khoảng 20 viên. Nên dùng thuốc chung với nước cơm, lúc bụng đang đói.
Tóm lại, cây thục quỳ cũng được dùng làm thuốc, giúp thanh nhiệt giải độc, chống ho, kháng viêm và hỗ trợ điều trị một số bệnh lý khác nhau. Thục quỳ ngoài là cây cảnh còn là dược liệu chữa bệnh. Tuy nhiên, thảo dược này chỉ được sử dụng và mang lại kết quả điều trị tốt khi được các thầy thuốc chuyên môn bắt mạch chẩn đoán và kê đơn. Do đó, để tránh những tác dụng phụ tiêu cực đối với sức khỏe, các bạn không nên tự ý dùng.