Mướp Khía Là Cây Gì? Một Số Bài Thuốc Chữa Bệnh Từ Mướp Khía

Mướp khía hay còn gọi là mướp tàu, ve hom. Cây mướp khía có nhiều đặc tính dược lý nên không chỉ được dùng để chế biến món ăn mà còn được dùng để trị viêm xoang, viêm mũi, chốc lở, rong kinh, băng huyết, tắc tuyến sữa,…chi tiết bên dưới.

Mướp khía là cây gì?

  • Tên gọi khác: Mướp tàu, Ve hom
  • Tên khoa học: Luffa acutangula L
  • Họ: Bầu bí (danh pháp khoa học: Cucurbitaceae)

muop-khia

Mướp khía có nguồn gốc từ các nước nhiệt đới Á Phi. Ngoài ra cây cũng được trồng ở Madagascar, các nước Nam Á và các khu vực có khí hậu nhiệt đới. Ở nước ta, cây được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam để làm thực phẩm và làm thuốc.

Thu hái quả chín vào màu hè – thu khi quả đã chuyển sang màu vàng và có xơ bên trong ruột. Sau khi hái về, đem bỏ vỏ và hạt rồi lấy xơ mướp phơi khô. Nếu dùng dây và lá, nên thu hái vào mùa hè.

Nơi khô ráo, tránh ẩm và ánh nắng trực tiếp.

Rễ cây chứa cucurbitacin C, cucurbitacin B. Nhân hạt mướp có chứa 48.41% chất béo, pentosan 2.24%, protein thô 39.88%, sợi 1.89%, tro 4.77% và đường khứ 3.61%. Toàn cây có chứa các protein như trichosanthin, trichokirin, momordin, triterpenoid A, B, C, D, E, F, G,…

Đặc điểm nhận dạng của cây mớp khía

Mướp khía là loài thực vật sống hằng năm, thân leo, dài khoảng 3 – 6m, thân cây có nhiều rãnh và đường kính khoảng 2cm. Lá có hình tim, mép có răng cưa to, mọc so le, rộng đến 25cm và dài từ 15 – 20cm. Hoa đơn tính, hoa đực thường mọc thành chùm và có lá bắc màu lục. Cánh hoa có màu vàng tươi, đài hoa màu trắng lục dính vào nhau ở gốc. Hoa có tổng cộng 5 nhị, trong đó có 4 nhị chỉ dính vào nhau, 1 nhị rời.

Hoa cái mọc đơn lẻ, vòi nhụy ngắn và đầu có 3 núm nhỏ, có lông mềm màu vàng. Quả hình chùy, kích thước lớn, đường kính khoảng 7 – 10cm, dài 30 – 40cm và có các cạnh nhọn dọc (khoảng 10 cạnh). Hạt khi chín chuyển thành màu đen và có bề mặt sần sùi.

Mướp khía là loài cây ưa ẩm, sáng và sinh trưởng nhanh. Do đó khi trồng cần tưới nước thường xuyên. Cây ra hoa và sai quả vào tháng 4 – 6 hằng năm.

Xơ mướp thường được dùng để làm thuốc, còn được gọi là Ty qua lạc hay Retinervus Luffae Fructus. Ngoài ra, hạt, lá và dây cũng được sử dụng nhưng ít phổ biến hơn.

Mướp khía có tác dụng gì?

Tính vị:

  • Rễ, dây, hạt và xơ mướp có vị ngọt, tính bình.
  • Lá có vị đắng, chua, tính hàn.

Qui kinh: Chưa có nghiên cứu.

– Theo Đông Y:

  • Công dụng: Rễ có công dụng giải độc và thanh nhiệt, dây có tác dụng chỉ khái hóa đàm và thông kinh hoạt lạc. Hạt có công dụng sát trùng, nhuận táo, tiêu nhiệt, hóa đàm. Lá có tác dụng thanh nhiệt, giải độc và chỉ huyết. Xơ mướp còn có thêm tác dụng hoạt huyết, lợi niệu, tiêu thũng và thông lạc.
  • Chủ trị: Rễ được dùng để trị lở ngứa chảy nước, viêm xoang, viêm mũi. Hạt được dùng để trị tiểu khó, sát trùng và ho nhiều đờm. Dây được dùng để chữa viêm khí quản, viêm mũi, ho và đau thắt lưng. Lá được dùng để trị chốc lở, mụn, chảy máu vết thương, ho gà, ho khan và khát nước do nắng nóng. Xơ mướp được dùng để trị sữa không thông, đau ngực sườn, bế kinh, viêm tuyến sữa và đau nhức gân cốt.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Protein trong hạt mướp có khả năng gây sảy thai và bất hoạt ribosom.
  • Ngoài ra các hợp chất trong hạt còn có tác dụng ức chế trypsin.
  • Dầu trong hạt còn có tác dụng gây nôn, tiết nước bọt và gây xổ ở chó thực nghiệm.

– Tham khảo thêm các công dụng khác của mướp khía:

  • Ở Ấn Độ, cây mướp khía được dùng để trị lá lách to, làm thuốc lợi tiểu, trị hen suyễn, các bệnh về da và táo bón. Hạt được dùng để long đờm, gây nôn, quả khô tán bột có tác dụng trị vàng da.
  • Ở Thái Lan, thân, lá và rễ được dùng để trị sốt.
  • Ở Campuchia, nước hãm từ rễ và thân có tác dụng lợi sữa. Ngoài ra thân cây còn được sắc với các thảo dược khác để làm thuốc súc miệng.
  • Ở Indonesia, hạt tán nhỏ có tác dụng trị sốt và sốt rét.
  • Ở Ấn Độ và Malaysia, rễ cây được dùng để điều kinh, tăng lực, giảm sốt và trị rối loạn đường tiết niệu.

Liều lượng, cách dùng mướp khía

Mướp khía có thể được dùng dạng sắc hoặc dùng ngoài da. Liều dùng tham khảo:

  • Rễ 15 – 30g/ ngày
  • Dây 30 – 60g/ ngày
  • Lá và xơ 10 – 15g/ ngày

Một số bài thuốc chữa bệnh từ mướp khía

1. Bài thuốc chữa bệnh viêm xoang

  • Chuẩn bị: Thân già và rễ 8 – 12g.
  • Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.

2. Bài thuốc điều trị viêm mũi

  • Chuẩn bị: Thân mướp khía
  • Thực hiện: Đem sao cháy, sau đó tán bột và thổi vào mũi 2 – 3 lần/ ngày.

3. Bài thuốc chữa viêm xoang mũi

  • Chuẩn bị: Thân cây sim 8 – 12g và thân mướp khía 10 – 20g.
  • Thực hiện: Đem sắc uống.
  • Lưu ý: Nếu gặp phải tình trạng táo bón khi dùng bài thuốc này, gia thêm 30 – 40g vừng đen.

4. Món canh mướp khía giúp bồi bổ sức khỏe và hỗ trợ điều trị

  • Chuẩn bị: 8 – 12g thân già của cây mướp và 1 ít thịt nạc.
  • Thực hiện: Nấu với thịt, sau đó vớt thịt ăn và dùng nước uống.

5. Canh mướp khía giúp lợi sữa

  • Cách 1: Dùng móng giò và mướp khía tươi nấu canh ăn thường xuyên.
  • Cách 2: Chuẩn bị gạo tấm 100g, cá mè 1 con và mướp khía 10g. Luộc cá lấy nước, sau đó cho gạo vào nấu thành cháo. Gọt bỏ mướp, thái lát và cho vào nấu chín. Nêm gia vị cho vừa miệng và ăn thường xuyên.

6. Bài thuốc chữa băng huyết, kiết lỵ, rong kinh và xuất huyết trĩ

  • Chuẩn bị: Xơ mướp (ty qua lạc).
  • Thực hiện: Đốt tồn tính và tán bột. Mỗi lần dùng 4 – 8g, chia thành 2 lần uống trong ngày và chiêu với nước ấm.

7. Bài thuốc chữa hen suyễn

  • Chuẩn bị: Xơ mướp băm nhỏ, sao 20g và hạt đay giã dập, sao12g.
  • Thực hiện: Trộn đều các vị, sau đó đem sắc và uống khi nóng. Ngày dùng 2 lần liên tục từ 2 – 3 ngày.

8. Bài thuốc chữa tắc tia sữa và viêm tuyến vú

  • Chuẩn bị: Gai bồ kết 10 cái, hành tươi 1 củ và xơ mướp khía 1 cái.
  • Thực hiện: Đem các dược liệu băm nhỏ, sau đó sắc với 400ml nước, còn lại 100ml. Chia thành 2 lần uống, dùng liên tục trong 2 – 3 ngày.
  • Lưu ý: Cần kết hợp với các động tác nắn ngực để thông tia sữa bị tắc.

9. Bài thuốc chữa bế kinh

  • Chuẩn bị: Tiết chim bồ câu trắng và xơ mướp.
  • Thực hiện: Xơ mướp đốt tồn tính, tán nhỏ và trộn với tiết chim bồ câu làm thành bánh. Sau đó phơi khô và tán nhỏ. Mỗi lần dùng 8g uống với rượu khi đói.

10. Bài thuốc chữa bệnh sởi

  • Chuẩn bị: Cỏ mần trầu 8g, cam thảo nam 4g, bạch chỉ, kim ngân và kinh giới mỗi thứ 12g, xơ mướp 20g.
  • Thực hiện: Đem các vị thái nhỏ, sao vàng và sắc uống 2 lần/ ngày.

Lưu ý khi sử dụng mướp khía làm thuốc

Khi dùng bài thuốc từ mướp khía, bạn cần lưu ý những thông tin sau:

  • Các bài thuốc từ mướp khía có thể gây táo bón khi áp dụng. Do đó bạn nên gia thêm vừng đen đồng thời cần uống nhiều nước và bổ sung thêm rau xanh vào chế độ ăn.
  • Cần phân biệt mướp khía với mướp ta.
  • Phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi áp dụng bài thuốc.

Như vậy, mướp khía có nhiều công dụng và được tận dụng để điều trị các chứng bệnh thường gặp. Tuy nhiên một số bài thuốc từ dược liệu này chưa được chứng minh trên cơ sở khoa học. Vì vậy để giảm thiểu rủi ro khi áp dụng, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *