Miết Giáp Là Gì? Công Dụng Và Một Số Bài Thuốc Từ Miết Giáp

Miết giáp chính là phần mai của con ba ba còn được gọi là giáp ngư, thủy ngư xác, miết xác…, được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc y học cổ truyền. Miết giáp có vị mặn, tính hàn và không chứa độc với tác dụng bổ âm, nhuận kiên tán kết, thường dùng chữa ho lao, nhức xương, kinh nguyệt bế, tiểu tiện ra sỏi sạn…Chi tiết tham khảo công dụng của miết giáp được chia sẻ bên  dưới.

Miết giáp là gì?

  • Tên gọi khác: Mai ba ba, Giáp ngư, Thủy ngư xác, Miết xác.
  • Tên khoa học: Trionyx sinensis Wegmann.
  • Tên dược: Carapax Trionycis.

Ba ba là động vật thường sống ở ao hồ, sông ngòi, nhất là những khu vực có sông ngòi lớn. Loài ba ba được dùng lấy mai làm vị thuốc sinh sống chủ yếu ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản hay miền Bắc Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu cho biết, rất khó để xác định cụ thể phạm vi phân bố bản địa của loài này. Bởi từ rất lâu, chúng đã được dùng làm thực phẩm, sau đó được lan rộng nhờ những người dân di cư.

Phần mai của con ba ba chính là bộ phận được dùng làm vị thuốc với tên Miết giáp.

Ba ba bắt về đem cắt cổ lấy tiết và hứng ngay vào 1 ít rượu. Sau đó cho cả con vào trong nồi nước sôi và đun khoảng từ 1 – 2 giờ rồi vớt ra, gỡ lấy phần mai. Có thể để nguyên hay ngâm nước phèn 1 đêm (cứ 1kg mai thì dùng 20g phèn). Sau khi ngâm phèn xong, vớt ra cạo sạch thịt và màng rồi đem phơi khô.

Đặc điểm nhận dạng của miết giáp

Miết giáp chính là chiếc áo giáp của con ba ba, được lấy từ những con ba ba già không sử dụng được phần mai trong ẩm thực. Miết giáp có hình bầu dục hoặc hình trứng rộng. Cả mặt trên và mặt dưới đều phẳng, dài khoảng 10 – 20cm, rộng khoảng 8,5 – 16,5cm. Thường sẽ nhô dần lên ở phía giữa.

Mặt lưng của dược liệu có màu xám đen hay lục đen, hơi sáng bóng, loang lổ và có nhiều nếp vân nhăn. Còn mặt dưới sẽ có màu trắng đục, lá một khung bao gồm xương sống có 8 đốt chạy dọc ở giữa, mỗi đốt sẽ mang 2 xương sườn thẳng hàng và uốn vào bên trong.

Chất miết giáp cứng chắc. Loại mai được chọn làm vị thuốc thường to bản, dày chắc và không sót thịt hay màng. Đây được cho là loại có đặc tính dược lý rất tốt.

Cách sơ chế miết giáp dược liệu

Có thể chế biến mai ba ba theo 2 cách dưới đây:

  • Cách 1: Ngâm mai ba ba vào trong nước gừng rồi đem phơi khô. Tiếp đến cho lên chảo sao với cát nóng hay nướng chín tới khi mặt ngoài hơi vàng. Lấy ra tẩm giấm theo tỷ lệ cứ 5kg mai thì dùng 1,5 lít giấm. Cuối cùng đem rửa sạch và phơi khô.
  • Cách 2: Ngâm mai ba ba vào nước tro bếp trong vòng 1 đêm rồi lấy ra rửa sạch và tẩm rượu. Tiếp đến cắt nhỏ rồi cho vào nồi nấu với nước sâm sấp cho sôi liên tục trong đúng 1 ngày 1 đêm. Chắt lấy nước đầu rồi tiếp tục thêm nước để nấu lấy nước thứ 2, thứ 3. Trộn đều các lần nước chắt lọc kỹ rồi đem đi cô thành dạng cao đặc ở 70°C trở lên sẽ thu được miết giáp cao.

Thành phần hóa học có trong miết giáp

Phân tích ghi nhận dược liệu miết giáp có chứa các thành phần bao gồm:

  • Colloid
  • Keratin
  • Iodine
  • Vitamin D
  • Muối khoáng

Miết giáp có tác dụng gì?

Tính vị: Đa phần các tài liệu y học cổ ghi nhận miết giáp có vị mặn và tính hàn, không chứa độc.

Quy kinh: Được quy vào 3 kinh là Can, Tỳ và Phế.

Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: Nhuyễn kiên tán kết, tư âm tiềm dương.
  • Chủ trị: Các chứng hư phong hội động, cửu nhược, ngược mẫu, âm hư phát nhiệt, trưng hà, kinh bế.

Theo y học hiện đại:

  • Các thành phần có trong miết giáp có tác dụng ức chế quá trình tăng sinh của tổ chức liên kết.
  • Làm tăng protid huyết tương, tiêu khối u.
  • Ngoài ra, còn có tác dụng an thần, đồng thời kéo dài thời gian tồn tại của kháng thể.

Liều lượng, cách dùng miết giáp

Vị thuốc miết giáp có thể được dùng theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào mục đích điều trị cũng như từng bài thuốc. Phổ biến nhất là dùng ở dạng thuốc sắc, tán bột hay nấu cao.

Liều lượng dược liệu được khuyến cáo sử dụng với 1 ngày là khoảng từ 3 – 30g. Có thể điều chỉnh khi kết hợp với các vị thuốc khác trong từng bài thuốc cụ thể.

Một số bài thuốc chữa bệnh từ miết giáp

Vị thuốc miết giáp được ứng dụng lâm sàng trong một số bài thuốc quen thuộc dưới đây:

Bài thuốc chữa chứng suyễn, thở gấp ở trẻ nhỏ

  • Chuẩn bị: Miết giáp với lượng tùy ý cùng 50g lá nhót tươi.
  • Thực hiện: Đem đốt tồn tính mai ba ba rồi tán nhỏ và rây lấy bột mịn. Lá nhót đem rửa sạch rồi ép lấy nước. Mỗi lần lấy 4g thuốc bột cho trẻ uống trực tiếp với nước ép lá nhót.

Bài thuốc trị kinh nguyệt bế tắc do cơ thể suy nhược

  • Chuẩn bị: 30g miết giáp cùng 1 con chim bồ câu đã làm thịt và 1 ít rượu.
  • Thực hiện: Đem vị thuốc đi tán nhỏ rồi rây lấy bột mịn. Sau đó cho vào bụng chim bồ câu cùng 1 ít rượu và gia vị vừa đủ. Hấp cách thủy đến khi chín nhừ và ăn hết 1 lần khi còn ấm nóng.

Bài thuốc chữa lòi dom, mụn rò, chảy mủ

  • Chuẩn bị: Miết giáp, phèn chua và mai rùa với lượng bằng nhau.
  • Thực hiện: Đem tất cả vị thuốc đi đốt tồn tính rồi tán thành bột. Sau đó rắc vào chỗ bị đau mỗi ngày vài lần.

Bài thuốc chữa xơ gan

  • Chuẩn bị: 30g miết giáp, 5g vảy tê tê.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên đem cắt nhỏ rồi cho hết vào ấm sắc với 400ml nước. Thu lấy 100ml, lọc bỏ phần bã chia đều làm 2 lần uống, dùng 1 thang/ngày.

Bài thuốc chữa lao phổi có các triệu chứng hư nhiệt, mồ hôi trộm

  • Chuẩn bị: 20g miết giáp (sắc trước), 12g ngân sài hồ, 8g thạch cao, 4g hồ hoàng liên, 8g tần giao, 12g tri mẫu, 12g địa cốt bì, 4g cam thảo.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên sắc cùng 800ml nước trong 20 phút. Lọc bỏ bã, chia thuốc thành nhiều lần uống, ngày dùng 1 thang.

Bài thuốc Tam giáp phục mạch thang

  • Chuẩn bị: 30g sinh miết giáp (đập vụn sắc trước), 20g sinh mẫu lệ, 20g chích thảo, 20g sinh quy bản (sắc trước), 20g sinh bạch thược, 20g can địa hoàng, 18g mạch môn (không bỏ lõi), 12g hỏa ma nhân cùng 12g a giao (hòa thuốc).
  • Thực hiện: Các vị thuốc cho hết vào ấm sắc lấy nước, bỏ bã rồi uống trong ngày, dùng ngày 1 thang. Bài thuốc này dùng chữa chứng sốt rét kéo dài ở thời kỳ cuối của nhiều bệnh nhiễm.

Bài thuốc Miết giáp ẩm gia giảm

  • Chuẩn bị: 40g miết giáp (chích dấm), 12g binh lang, 12g hoàng kỳ, 8g bạch truật, 12g bạch thược, 4g xuyên phác, 3 quả đại táo, 3 lát sinh khương.
  • Thực hiện: Tất cả các vị thuốc trên cho vào ấm sắc lấy nước đặc. Chia đều thành 3 lần uống, mỗi ngày 1 thang. Dùng trong trường hợp bị sốt rét kéo dài, lách to.

Bài thuốc chữa đau lưng, không vận động được

  • Chuẩn bị: Miết giáp với lượng tùy ý.
  • Thực hiện: Vị thuốc trên đem đi sao vàng hoặc nướng chín rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 5g, tần suất 2 lần/ngày.

Bài thuốc chữa hư lao, phiền nhiệt

  • Chuẩn bị: 20g chích miết giáp, 20g hoàng kỳ chích mật, 12g tần giao, 12g bạch thược, 20g thiên môn, 12g sài hồ, 12g tang bạch bì, 12g bạch linh, 12g bán hạ, 12g tử uyển, 12g tri mẫu, 12g sinh địa, 12g chích thảo, 6g nhục quế, 6g đảng sâm, 6g cát cánh.
  • Cách dùng: Các vị thuốc trên đem tán hết thành bột mịn để làm thuốc tán hay dùng thuốc thang đều được.

Bài thuốc chữa lao xương khớp thể âm hư hỏa vượng

  • Chuẩn bị: 20g miết giáp, 8g thạch cao, 12g sài hồ, 12g địa cốt bì, 12g mẫu đơn bì, 12g ngưu tất, 12g xuyên tục đoạn, 4g hồng hoa, 8g đào nhân.
  • Thực hiện: Các vị thuốc trên cho hết vào ấm sắc cùng 1 thăng nước. Lấy phân nửa rồi lọc bỏ bã, chia nước thuốc thành nhiều lần uống, ngày dùng 1 thang. Trường hợp bị đổ mồ hôi trộm thì cần gia thêm 40g mẫu lệ. Còn nếu thấy có ổ áp xe lạnh thì gia thêm 16g liên kiều, 8g bối mẫu cùng 20g kim ngân hoa.

Lưu ý khi sử dụng vị thuốc miết giáp để chữa bệnh

Tuyệt đối không sử dụng vị thuốc miết giáp cho những trường hợp sau:

  • Âm thịnh, dương suy
  • Âm hư không có nhiệt
  • Vị hư nôn mửa
  • Tỳ suy, tiêu chảy
  • Phụ nữ có thai

Tóm lại, miết giáp có vị mặn, tính hàn và không chứa độc với tác dụng bổ âm, nhuận kiên tán kết, thường dùng chữa ho lao, nhức xương, kinh nguyệt bế, tiểu tiện ra sỏi sạn… Những thông tin về vị thuốc miết giáp được đề cập trong bài viết trên chỉ có giá trị tham khảo. Trước khi sử dụng dược liệu này cho mục đích chữa bệnh, bạn nên trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *