Mía Dò Là Cây Gì? Tác Dụng Và Một Số Bài Thuốc Sử Dụng Cây Mía Dò

Mía dò còn được gọi là cây tậu chó, đọt đắng, đọt hoàng, củ chốc, cát lồi,… Mía dò là một loại dược liệu họ gừng mọc hoang ở nhiều địa phương, có tác dụng điều trị nhiều bệnh lý như sốt cao, nước tiểu màu vàng, tiểu buốt, tiểu rắt, đau dây thần kinh tọa,…chi tiết tham khảo bên dưới.

Mía dò là cây gì?

  • Tên gọi khác: Tậu chó, Đọt đắng, Đọt hoàng, Củ chốc, Cát lồi
  • Tên khoa học: Costus speciosus Smith
  • Họ: Gừng – Zinhiberaceae

Mía dò là cây có nguồn gốc châu Á nhiệt đới, ưa ẩm, ánh sáng và có thể chịu bóng râm nhẹ. Cây thường được tim thấy ở Đài Loan, Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam) và các nước nhiệt đới như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Việt Nam, Xrilanca.

Ở Việt Nam, thường thấy cây mọc hoang ở các tỉnh vùng núi và trung du. Các tỉnh thường tìm thấy Mía dò bao gồm Sơn La, Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Các tỉnh đồng bằng ít khi tìm thấy Mía dò. Tuy nhiên, hiện tại một số nơi trồng hoặc mọc hoang ở các bờ ruộng, kênh rạch, nơi đất rộng. Các tỉnh tìm thấy Mía dò bao gồm Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre.

Bộ phận sử dụng dược liệu chủ yếu là cành non, thân rễ, búp non. Thân và lá cũng được ứng dụng để làm thuốc, tuy nhiên ít khi phổ biến. Ngoài ra, búp non có thể sử dụng ăn kèm như rau sống.

Mía dò sinh trưởng và phát triển nhanh vào mùa xuân – hè. Dược liệu thường được thu hái quanh năm, tuy nhiên thời điểm tốt nhất là vào mùa thu.

Đặc điểm nhận dạng cây mía dò

Mía dò là cây thân thảo lâu năm, chiều từ 1 – 3 mét. Thân rễ to, nạc, xốp, giòn, ít khi phân nhánh, thường mọc bò dưới đất. Phần thân non thường được bọc bởi một lớp vảy có nhiều lông ngắn.

Lá cây hình mác hoặc thuôn dài, độ dài khoảng 15 – 20 cm, rộng khoảng 6 – 10 cm. Đỉnh lá nhọn, gốc lá có thể nhọn hoặc tròn rộng ở thân lá. Lá dày, mọc so le, có bẹ, mặt trên nhẵn, mặt dưới lá có lông mịn. Lá non thường được xếp thành hình xoắn ốc. Bẹ lá có mịn nhẵn hoặc nhẵn, bẹ non thường có màu xanh nhạt sau đó chuyển dần sang màu trắng ngà hoặc đỏ sẫm.

Cụm hoa thường mọc ở đầu thân thành bông chùy, có thể dài 8 – 13 cm, rộng 5 – 9 cm. Hoa thường mọc sát nhau, màu trắng, không có cuống, hình trứng, có nhiều lá bắc màu đỏ xếp theo cặp không đối xứng.

Quả Mía dò có màu đỏ sẫm , dài khoảng 1.3 cm, hình bầu dục hoặc hình trứng với 3 cạnh phân bố không đều nhau. Quả chứa nhiều hạt nhẵn, bóng, màu nâu đen, dài khoảng 3 mm. Mùa quả vào tháng 7 – 11.

Sơ chế dược liệu mía dò như thế nào?

  • Sau khi thu hái dược liệu, mang về rửa sạch, cắt bỏ phần rễ tơ, thái thành phiến mỏng, phơi hoặc sấy khô, bảo quản dùng dần.
  • Nếu thu hoặc thân rễ khô cứng, cần ủ mềm trước khi thái phiền. Lại dùng lửa nhỏ sao đến khi mặt phiến có màu vàng thì bảo quản và dùng dần.
  • Búp non và cành non có thể dùng tươi, không cần chế biến.

Thành phần hóa học trong cây mía dò

Thành phần chính có trong dược liệu Mía dò là Saponin Steroid, thuỷ phân Diosgenin, Tigogenin.

Ngoài ra, cây cũng chứa một số thành phần như:

  • Nước khoảng 70%
  • Hydrat cacbon
  • Anbuminoit

Mía dò có tác dụng gì?

Tính vị: Mía dò tính mát, vị cay, chua, hơi đắng, có độc tố nhẹ.

Quy kinh: Mía dò quy vào kinh Can và Thận.

Theo y học hiện đại:

  • Gây teo tuyến ức (nghiên cứu trên chuột trắng đực còn non)
  • Chống viêm cấp tính và mạn tính (nghiên cứu trên mô hình viêm mô bàn chân chuột cống)
  • Hỗ trợ giảm đau (thí nghiệm trên các cơn đau nội tạng ở chuột nhắt trắng)
  • Chứa độc tính cấp và mạn tính (thí nghiệm trên chuột nhắt trắng cái thông qua đường uống, đã cắt tử cung, gây tăng trọng lượng tử cung)

Theo y học cổ truyền:

  • Lợi thủy, tiêu thũng, hỗ trợ điều trị phù thũng
  • Chẩn dương, giải độc
  • Lọc máu, kích thích, trừ giun, bồi bổ cơ thể

Mía dò thường được chỉ định điều trị:

  • Tiểu buốt, nước tiểu có màu vàng
  • Đau lưng
  • Thấp khớp
  • Đau dây thần kinh
  • Viêm tai, viêm tai giữa
  • Làm các cơn đau nhức cơ thể
  • Hỗ trợ làm mát gan
  • Hạ sốt

Theo y học tại Ayurveda, Cát lồi được sử dụng để điều trị:

  • Sốt
  • Phát ban
  • Hen suyễn
  • Viêm cuống phổi

Theo y học Kama Sutra, Cát lồi được dùng để:

  • Thoa lên lông mi nhằm tăng sức hút và sự quyến rũ tình dục ở bạn tình.

Liều lượng, cách dùng cây mía dò

  • Mía dò có thể dùng để uống trong, thoa ngoài hoặc dùng thoa rửa khu vực bệnh đều được.
  • Liều lượng uống trong khoảng 10 – 15 g mỗi ngày. Dùng ngoài với liều lượng phù hợp.

Một số bài thuốc sử dụng cây mía dò

1. Chữa mề đay mẩn ngứa, mụn nhọt, ghẻ lở sưng đau

Sử dụng 100 g thân cây Cát lồi sắc lấy nước dùng rửa, xoa hoặc đắp lên vùng da bệnh khi nước còn ấm. Ngoài ra, có thể pha loãng nước để tắm hàng ngày.

2. Chữa bệnh chàm eczema, mề đay mẩn ngứa

Sử dụng nước ép Cát lồi với lượng vừa đủ để thoa, rửa vùng da bệnh mỗi ngày.

3. Điều trị đắt dắt, đái buốt, nước tiểu màu vàng

Dùng Mía dò, Mã đề, Bồ công anh, Rau má, Râu ngô, Cam thảo dây, rễ Cỏ tranh, mỗi vị 10 g, sắc thành nước, dùng uống 2 – 3 lần trong ngày. Mỗi ngày uống một thang.

4. Chữa tai đau nhức, viêm tai mạn tính

Sử dụng ngọn cây Cát lồi tươi, rửa sạch, giã nhuyễn lấy nước nhỏ trực tiếp vào tai. Để yên 5 phút rồi lấy bông thấm cho khô. Mỗi ngày thực hiện 3 lần.

5. Điều trị viêm thận, phù thũng cấp tính

Sử dụng Mía dò 15 g khô (dùng tươi 30 g) đun với 1 lít nước dùng uống trong ngày. Tốt nhất nên uống thuốc khi còn ấm.

6. Chữa viêm gan do siêu vi trùng

Dùng 12 g Cát lồi, 20 g Nhân trần, Chi tử, Xà tiền tử, Thổ phục linh, Bồ công anh, Sâm bố chính, mỗi vị 12 g, Mạch môn 10 g, Cam thảo đất 6 g, Thủy xương bồ 8 g. Mang các vị thuốc sắc uống mỗi ngày một thang.

7. Chữa đau mắt, viêm tai

Sử dụng cành lá Mía dò non, còn tươi, rửa sạch, mang đi nướng, vắt lấy nước cốt hoặc giã nhuyễn lấy nước dùng nhỏ vào mắt và tai.

8. Trị sốt, thấp khớp, đau lưng, đái dắt, đái buốt, đau dây thần kinh

Dùng 10 – 20 g Mía dò sắc thuốc uống mỗi ngày hoặc sử dụng thuốc dưới dạng cao lỏng.

9. Thanh lọc cơ thể

Dùng thân rễ Mía dò nấu nước, dùng uống để chữa ra mồ hôi nhiều, làm mát và thanh lọc cơ thể.

10. Điều trị cổ trướng do xơ gan

Sử dụng 10 g Cát lồi phơi khô, hạt Dành dành (Chi tử), lá Bồ công anh, mỗi vị 10 g, Nhân trần 15 g, sắc với 4 bát nước đến còn 1.5 bát thì được. Chia thành 2 lần dùng uống với buổi sáng và buổi tối, trước bữa ăn khoảng 15 phút.

Lưu ý khi sử dụng cây mía dò

Dùng quá liều Mía dò tươi có thể dẫn đến ngộ độc. Các triệu chứng phổ biến bao gồm chóng mặt, nôn mửa, đau bụng. Để giải độc có thể dùng cảm thảo 2 – 5 g sắc nước dùng uống khi còn ấm.

Phụ nữ có thai và người yếu sinh lý không nên sử dụng dược liệu Mía dò.

Tóm lại, mía dò là một loại dược liệu họ gừng mọc hoang ở nhiều địa phương, có tác dụng điều trị nhiều bệnh lý như sốt cao, nước tiểu màu vàng, tiểu buốt, tiểu rắt, đau dây thần kinh tọa,… Mía dò là một vị thuốc lành tính với nhiều công dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cần trao đổi với thầy thuốc về cách dùng, liều lượng để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi sử dụng dược liệu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *