Hoa phấn là cây gì?
- Tên gọi khác: Bông phấn, Sâm ớt, Ngân chia hoa đầu, Phấn đậu hoa và Thủy phấn tử hoa.
- Tên khoa học: Mirabilis jalapa
- Họ: Hoa giấy (danh pháp khoa học: Nyctaginaceae)
Bông phấn có nguồn gốc từ Mexico, sau đó được di thực vào Việt Nam và được trồng chủ yếu để làm cảnh. Lá và rễ được dùng để làm thuốc. Một số địa phương sử dụng toàn bộ cây bông phấn. Củ của cây hoa phấn có chứa chất nhựa tẩy.
Thu hái rễ quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất là vào mùa thu. Sau khi thu hái về, đem rửa sạch, cạo bỏ vỏ đen bên ngoài rồi cắt ngắn, dùng tươi hoặc đem phơi khô. Ngoài ra, có thể đem tẩm với nước gừng rồi sao vàng dùng hoặc tán thành bột mịn.
Đặc điểm nhận dạng hoa phấn
Hoa phấn là loài thực vật nhỏ, chiều cao chỉ khoảng 70cm. Cây có thân nhỏ mềm và có nhiều cành. Thân và cành nhẵn hoặc được phủ lông mỏng, rễ phát triển thành củ.
Lá đơn, mọc đối xứng, phiến lá có hình mác hơi thuôn hoặc hình bầu dục. Đầu lá nhọn, gốc lá hình tim, mép nguyên, lá dài 3 -9cm và cuống dài khoảng 1.5 – 3cm.
Hoa mọc ở ngọn hoặc ở kẽ lá, mỗi cụm hoa gồm khoảng 3 – 6 bông. Hoa lưỡng tính, bao hoa có hình cánh, màu vàng, trắng, hồng hoặc màu đỏ.
Cây hoa phấn có tác dụng gì?
Tính vị: Củ có vị nhạt, mùi nhẹ và hơi buồn nôn. Bông phấn có vị mặn, hơi cay.
Quy kinh: Chưa có nghiên cứu.
Theo Đông Y:
- Tác dụng: Tiêu viêm, giải độc, lợi tiểu, tán ứ, hoạt huyết.
- Chủ trị: Kinh nguyệt không đều, viêm đường tiết niệu và bệnh viêm họng
Liều lượng, cách dùng cây hoa phấn
Hoa phấn được sử dụng ở dạng sắc uống hoặc dùng ngoài. Hiện tại chưa có nghiên cứu về liều dùng trung bình/ ngày, vì vậy nếu có ý định sử dụng liều cao, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc.
Bài thuốc chữa bệnh từ cây hoa phấn
Bài thuốc chữa viêm amidan
- Chuẩn bị: Lá tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch rồi giã lấy dịch và đắp trực tiếp vào chỗ đau.
Bài thuốc trị ho ra máu
- Chuẩn bị: Hoa phấn 120g.
- Thực hiện: Giã lấy dịch chiết rồi trộn với mật ong, dùng uống cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
Bài thuốc trị chứng kinh nguyệt không đều
- Bài thuốc 1: Ngải cứu 25g, ích mẫu 30g và hoa phấn 20g. Đem rửa sạch rồi sắc uống ngày dùng 1 thang liên tục trong 5 – 7 ngày.
- Bài thuốc 2: Cỏ xước, ngải cứu và cam thảo nam mỗi vị 12g, rễ củ gai và ích mẫu mỗi vị 16g, hoa phấn 20g. Đem dược liệu sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang. Nên sử dụng trước kỳ kinh 5 ngày và uống liên tục trong vòng 3 ngày.
Bài thuốc trị bệnh viêm họng
- Chuẩn bị: Cam thảo đất 12g, kim ngân hoa 12g, bồ công anh 15g, hoa phấn 20g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang, sử dụng liên tục trong vòng 5 – 7 ngày.
Bài thuốc trị chậm kinh
- Chuẩn bị: Lá móng tay 20g, nghệ đen 20g, hoa phấn 20g, ngải cứu 1g và ích mẫu 16g.
- Thực hiện: Sắc uống ngày dùng 1 thang, sử dụng bài thuốc trước kỳ kinh khoảng 10 ngày.
Bài thuốc trị viêm đường tiết niệu
- Chuẩn bị: Kim ngân hoa và râu ngô mỗi vị 16g, mã đề và hoa phấn mỗi vị 20g, cỏ xước 12g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống, sử dụng liên tục trong vòng 1 tuần.
Dưỡng da với cây hoa phấn
- Chuẩn bị: Quả chín đen, phơi khô và bỏ vỏ đen bên ngoài, vỏ lụa màu vàng ở bên trong.
- Thực hiện: Dùng bột phấn từ quả trộn với một ít mật ong rồi thoa lên mặt 2 lần (sáng – tối sau khi đã rửa sạch mặt) để trong 30 phút rồi rửa lại bằng nước ấm.
Bài thuốc trị bệnh tiểu đường
- Bài thuốc 1: Sử dụng 30g rễ cây bông phấn đem sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị lá lách lợn 200g, rễ cây bông phấn 30g và bạch quả 20 hạt (bỏ vỏ). Đem các vị hầm lấy nước và dùng uống trước khi ăn.
Bài thuốc chữa ho lâu ngày
- Chuẩn bị: Cây hoa phấn 120g.
- Thực hiện: Đem hấp với mật ong và dùng uống 2 lần/ ngày trong vòng 10 ngày sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.
Lưu ý khi sử dụng hoa phấn
- Không sử dụng dược liệu bông phấn cho phụ nữ mang thai.
- Tránh nhầm lẫn với vị thuốc thiên hoa phấn.
Tóm lại, rễ củ và lá cây hoa phấn còn được sử dụng để chữa ho lâu ngày không khỏi, viêm amidan, viêm họng, kinh nguyệt không đều và viêm đường tiết niệu,… Bài viết đã tổng hợp một số thông tin cơ bản và bài thuốc chữa bệnh từ cây hoa phấn. Để hiểu rõ hơn về công dụng và cách sử dụng dược liệu này, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc hoặc bác sĩ chuyên khoa học y học cổ truyền.