Dây ký ninh là cây gì?
- Tên gọi khác: Cây ký ninh, Dây thần nông, Bảo cự hành, Dây cóc…
- Tên khoa học: Tinospora crispa (L.) Hook.f. ex Thoms.
- Họ: Tiết dê (Menispermaceae).
Loại cây này mọc hoang dại ở rất nhiều tỉnh miền Bắc nước ta. Điển hình như Hòa Bình, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Tây… Việc trồng dây ký ninh cũng rất đơn giản, chỉ cần cắt phần thân cây thành từng đoạn dài khoảng 10 – 15cm rồi cắm nghiêng xuống đất.
Thân và rễ cây dây ký ninh là 2 bộ phận thường được sử dụng để làm vị thuốc.
Dược liệu dây ký ninh có thể được thu hái vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Sau khi thu hái cần rửa sạch và cắt thành đoạn ngắn khoảng 0,5 – 1cm để phơi hoặc sấy khô dùng dần. Nếu dùng ở dạng tươi thì chỉ cần thái mỏng.
Đặc điểm nhận dạng dây ký ninh
Dây ký ninh là một loại cây dây leo với phần thân rất xù xì có màu nâu nhạt. Cây mọc rất khỏe, có thể dài tới khoảng 6 – 7m hoặc hơn tùy thuộc vào thổ nhưỡng.
Lá có hình tim, mọc so le nhau, phần mép nguyên, hơi dày, chiều dài lá khoảng 8 – 12cm, rộng khoảng 5 – 6cm. Phần cuống lá gầy và ngắn như phiến lá.
Hoa mọc tập trung thành 1 – 2 chùm tại kẽ lá. Quả khi chín sẽ có màu đỏ, dài khoảng 12mm và có 1 hạt dẹt. Cây thường phát triển mạnh vào mùa nắng nóng còn đến mùa rét sẽ ngừng phát triển.
Thành phần hóa học trong dây ký ninh
Phân tích ghi nhận dược liệu dây ký ninh có chứa các thành phần bao gồm:
- ancaloit
- glucozit
- metylpentoza
- columbin
- picroretin
Dây ký ninh có tác dụng gì?
Tính vị: Dược liệu được ghi nhận là có vị đắng và tính mát.
Quy kinh: Chưa tìm thấy tài liệu nghiên cứu.
Theo y học cổ truyền:
- Công dụng: Bổ đắng, hạ nhiệt, chống chu kỳ trong sốt, làm ra mồ hôi, tiêu đờm, tiêu viêm, lợi tiêu hóa, lợi tiểu.
- Chủ trị: Phá thông kinh trệ, sát chư trùng, chữa sốt rét, tiêu thũng đầy, trừ thấp nhiệt, chữa đau nhức xương khớp. Ngoài ra, dược liệu còn được dùng ngoài để rửa vết lở loét.
Theo y học hiện đại:
- Dịch nước ép từ dây ký ninh có tác dụng kích thích tiêu hóa, hỗ trợ đầy lùi các vấn đề về dạ dày.
- Giúp tăng lượng tiểu cầu, hạ sốt nhanh nhất là trong trường hợp bị sốt rét.
- Dược liệu rất có lợi cho người bị tiểu đường tuýp 2 nhờ một số thành phần có khả năng kiểm soát đường huyết.
- Các chất chống oxy hóa có trong dược liệu giúp loại bỏ độc tốc, chống lại các gốc tự do tấn công tế bào. Bên cạnh đó còn giúp đối phó với các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Liều lượng, cách dùng dây ký ninh
Dây ký ninh có thể dùng ở dạng thuốc sắc, tán bột hoàn viên, ngâm rượu uống. Hoặc trong nhiều trường hợp còn có thể giã làm thuốc rửa vết thương bên ngoài da.
Liều lượng được khuyến cáo cụ thể như sau:
- Đối với thuốc sắc: Dùng khoảng 4 – 5g/ngày dược liệu ở dạng khô.
- Hãm với nước sôi hay nấu thành cao: 0,5 – 1,5g/ngày.
- Luyện thành viên hoàn: 2 – 3g/ngày.
- Dùng ngoài da: không kể liều lượng
Một số bài thuốc hay từ dây ký ninh
Dây ký ninh được áp dụng trong 2 bài thuốc quen thuộc sau:
Bài thuốc chữa sốt có cơn, rét run, mình mẩy chân tay đau nhức
- Chuẩn bị: 12g dây ký ninh, 12g sài hồ, 12g địa long (sao gừng), 16g thường sơn (sao rượu), 12g muồng trâu, 8g binh lang, 8g thảo quả, 8g rễ bá bệnh, 8g bán hạ chế, 8g trần bì
- Thực hiện: Tất cả các vị thuốc trên cho vào ấm sắc, đổ thêm 600ml. Đun trên lửa nhỏ để thu lấy khoảng 200ml nước thuốc. Dùng với liều lượng mỗi ngày chỉ 1 thang.
Bài thuốc chữa mất ngủ, đau nhức xương khớp
- Chuẩn bị: 4 – 12g dây ký ninh.
- Thực hiện: Vị thuốc đem rửa sạch rồi cho vào ấm sắc cùng 1 thăng nước trên lửa nhỏ thu lấy 300ml thuốc. Chia đều làm 3 lần uống trong ngày, dùng ngày 1 thang. Duy trì liên tục trong 15 ngày sẽ có thể cảm nhận rõ được hiệu quả.
Dây ký ninh mặc dù được ứng dụng khá phổ biến cho mục đích chữa bệnh nhưng bạn cần thận trọng. Trước khi áp dụng các bài thuốc có chứa dược liệu này cần trao đổi với thầy thuốc hoặc bác sĩ. Những thông tin được tổng hợp trong bài viết trên đây chỉ có giá trị tham khảo, không thể thay thế cho chỉ dẫn chuyên môn.