Dâm Dương Hoắc Là Cây Gì? Một Số Bài Thuốc Chữa Bệnh Từ Dâm Dương Hoắc

Dâm dương hoắc còn được gọi là thiên lưỡng kim, hoàng liên tổ, khí trượng thảo, tam chi cửu diệp thảo,… được sử dụng như vị thuốc bổ dành riêng cho nam giới. Theo Đông y, dâm dương hoắc có vị cay, tính bình đi vào kinh Thận và Can, dược liệu này có tác dụng chữa đau thận và liệt dương, hỗ trợ kích thích ham muốn tình dục và nâng cao năng lực hoạt động của tinh hoàn.

Dâm dương hoắc là cây gì?

+ Tên khác: Thiên lưỡng kim, hoàng liên tổ, khí trượng thảo, tam chi cửu diệp thảo, phỏng trượng thảo, cương tiền, can kê cân, tiên linh tỳ, hoàng liên tổ

+ Tên khoa học: Epimedium macranthum Morr. & Decne

+ Họ: Berberidaceae

Dâm dương hoắc là loại cây phân bố chủ yếu ở Trung Quốc. Ở Việt Nam, cây được tìm thấy ở các vùng núi cao như Sapa hay Hòa Bình.

Lá và rễ của cây dâm dương hoắc được sử dụng làm dược liệu. Lá và rễ cây thường dược thu hoạch hàng năm vào mùa hè, khoảng tháng 5. Sau khi được thu hái sẽ đem rửa sạch và phơi khô. Tùy thuộc vào bệnh mà cách dùng khác nhau.

Đặc điểm nhận dạng cây dâm dương hoắc

Dâm dương hoắc có nhiều loài khác nhau, chẳng hạn như dâm dương hoắc lá hình tim, dâm dương hoắc lá to, dâm dương hoắc lá mác và dâm dương hoắc có lông mềm,…

Dâm dương hoắc là loại cây thân thảo có chiều cao khoảng 0,5 – 0,8 m. Hoa có màu trắng và có cuống dài. Cây có nhiều loài khác nhau và mỗi loại có hình dạng không giống nhau. Cụ thể:

  • Dâm dương hoắc lá to: Với tên khoa học là Epimedium macranthum Morr et Decne. Cây có thân nhỏ với chiều dài khoảng 40 cm. Lá cây mọc trên ngọn cây. Mỗi cây có 3 cành và mỗi cành có 3 lá. Lá cây có hình dạng trứng hoặc tim, có chiều dài 12 cm và rộng 10 cm. Lá có đầu nhọn và gốc lá có hình tim, mép lá có răng cưa nhỏ nhọn như gai. Bên dưới lá có màu xanh xám và bên trên lá có màu vàng nhẵn, có gân chính và gân nhỏ nổi hằn lên trên lá. Về mùi vị, lá có mùi tanh và vị đắng.
  • Dâm dương hoắc lá mác: Tên khoa học Epimedium sagittum. Lá cây có dạng mũi tên, có chiều dài khoảng 14 cm và rộng 5 cm. Đầu lá hơi nhọn, gốc lá hình tên, mép lá có răng cưa nhỏ nhọn như gai.
  • Dâm dương hoắc lá hình tim: Cây có tên khoa học là Epimedium brevicornu Maxim. Lá hình tim tròn, rộng khoảng 6 cm và dài 5 cm. Phần còn lại của cây giống dâm dương hoắc lá to.

Thành phần hóa học có trong cây dâm dương hoắc

Thuốc gồm các thành phần chính như Icaritin-3-O-α-rhamnoside, Quercetin, Alcaloid, Anhydroicaritin-3-O-α-rhamnoside, Epimedin A, B, C, Quercetin-3-O-D-glucoside, Saponin, Sagittatoside,…

Dâm dương hoắc có tác dụng gì?

+ Tính vị: Vị cay đắng, tính ấm

+ Quy kinh: Can và Thận

Theo Y học cổ truyền, Dâm dương hoắc có những tác dụng chính như sau:

  • Ôn thận tráng dương, khứ phong trừ thấp và cường cân tráng cốt
  • Kích tố nam, giúp kích thích xuất tinh, đồng thời chữa xuất tinh sớm
  • Thúc đẩy quá trình bài tiết tinh dịch, tăng cường năng lực hoạt động của tinh hoàn, từ đó giúp tăng ham muốn ở nam giới
  • Hạ áp, giúp giãn mạch ngoại vi và tăng lưu lượng máu của động mạch vành. Đồng thời, tăng lưu lượng máu đầu chi, làm giãn mạch máu não và tăng lưu lượng máu ở não, cải thiện vi tuần hoàn
  • Hạ đường huyết và hạ lipit trong máu
  • Kháng vi rút
  • Lợi tiểu với liều dùng ít và chống lợi tiểu với liều dùng nhiều
  • Nâng cao sức đề kháng và tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể
  • An thần, giảm ho hóa đờm và bình suyễn
  • Kháng khuẩn, chống viêm, đặc biệt là đối với tụ cầu khuẩn trắng, phế cầu khuẩn và tụ cầu vàng
  • Trị suy nhược thần kinh
  • Chữa viêm phế quản mãn tính ở trẻ em

Liều lượng, cách dùng dâm dương hoắc

Cách dùng: Dâm dương hoắc không chỉ dùng cho nam giới mà còn được sử dụng ở nữ giới dưới nhiều hình thức điều trị là ngâm rượu và sắc uống. Đặc biệt, ngâm rượu là cách đơn giản, dễ thực hiện và được nhiều bệnh nhân áp dụng. Để tăng tác dụng chữa trị bệnh, người bệnh có thể dùng vị thuốc này kết hợp với nhiều loại thảo dược khác như sâm cau, nấm ngọc cẩu hoặc thạch anh,…

Liều lượng: Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người mà liều lượng sử dụng dâm dương hoắc thường khác nhau

Đối tượng nên dùng dâm dương hoắc

  • Người hiếm muộn hoặc vô sinh
  • Nam giới mắc chứng loãng tinh, di tinh, không tinh, liệt dương hoặc tinh lạnh
  • Người cao huyết áp
  • Bệnh nhân bị mất ngủ, suy nhược thần kinh hoặc ngủ không sâu giấc
  • Nữ giới bị giảm hoặc mất ham muốn tình dục, khô âm đạo
  • Người già bị tay chân yếu lạnh, phong thấp, đau mỏi gối, gân cốt co rút hoặc tiểu tiện són,…

Chống chỉ định của dâm dương hoắc

  • Phụ nữ mang thai
  • Trẻ em
  • Người bị hạ huyết áp
  • Người có tính dục mạnh
  • Bệnh nhân thể huyết âm hư hỏa vượng như môi khô họng khát, chất lưỡi đỏ khô, tại tiện táo, sốt về chiều, người gầy,…

Tác dụng phụ của dâm dương hoắc

Theo các chuyên gia, tác dụng phụ của dâm dương hoắc chỉ xảy ra trừ khi người bệnh lạm dụng thuốc quá liều trong thời gian dài. Thuốc có thể gây các phản ứng phụ như

  • Co thắt
  • Khó thở nặng
  • Chảy máu mũi
  • Miệng khô
  • Váng đầu
  • Nôn

Do đó, trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi dùng. Đặc biệt, đối với phụ nữ đang mang thai, không nên sử dụng dâm dương hoắc để điều trị bệnh. Bởi thuốc có tính kích dục có thể gây các tác dụng phụ như:

  • Choáng váng
  • Buồn nôn
  • Động thai
  • Sảy thai
  • Lưu thai

Một số bài thuốc chữa bệnh từ dâm dương hoắc

  • Bài thuốc bổ thận

Chuẩn bị dâm dương hoắc, tử hà xa, hoàng tinh, tiền mao, hoài sơn, thục địa, thỏ ty tử, tang thầm, mỗi vị 15 gram kết hợp với 2 quả thận dê và 12 gram sơn thù nhục. Tất cả các vị thuốc đem thái nhỏ và nấu nhừ. Sau đó, chia làm 2 – 3 phần và ăn trong ngày (ăn cả cái và nước).

  • Chữa xuất tinh sớm, đái rắt và lưng gối đau mỏi

Dâm dương hoắc, hoài sơn, thỏ ty tử, ích trí nhân, sơn thù nhục, phá cố chỉ, ngưu tất, ba kích thiên, phục linh, phá cố chỉ, thục địa, hồ lô ba, mỗi vị 500 gram cùng với lộc hươu 500 gram, trầm hương 60 gram và nhục thung dung 250 gram. Tất cả các vị thuốc đem phơi khô và nghiền nhỏ, rây bột mịn. Sau đó, trộn với mật và vo thành viên bằng hạt đậu. Mỗi ngày uống 2 lần và mỗi lần uống 10 gram.

  • Chữa di tinh, liệt dương

Chuẩn bị dâm dương hoắc, thỏ ty tử, cẩu khỉ, nhục thung dung, mỗi vị 12 gram cùng với cam thảo 3 gram, đại táo 3 quả, đỗ trọng và đương quy, mỗi vị 8 gram, ba kích và sa sâm mỗi vị 16 gram. Tất cả các vị thuốc chia thành nhiều thang và mỗi ngày sắc uống 1 thang. Uống liên tục trong khoảng 1 tháng, giúp cải thiện tình trạng di tinh và liệt dương.

  • Chữa thận dương suy yếu, tỳ thống hoặc phong thấp bằng bài thuốc ngâm rượu

Bài 1: Sử dụng 100 gram dâm dương hoắc đem thái nhỏ và ngâm trong 500 ml rượu trắng. Sau khoảng 15 – 20 ngày, có thể dùng. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống khoảng 10 ml.

Bài 2: Dùng 120 gram dâm dương hoắc cùng với 100 gram ngũ gia bì và 100 quả nhãn bỏ hạt đem ngâm trong 2 lít rượu trắng. Sau 20 – 30 ngày, bệnh nhân có thể dùng để chữa trị bệnh với cách dùng như ngày uống 2 lần và mỗi lần uống rừ 15 – 20 ml

Lưu ý khi dùng vị thuốc dâm dương hoắc chữa bệnh

Khi dùng thuốc, bệnh nhân nên lưu ý những điều sau đây:

  • Sử dụng thuốc với liều lượng vừa đủ theo đúng quy định của thầy thuốc. Tuyệt đối không lạm dụng quá liều để tránh tác dụng phụ gây hại sức khỏe
  • Khi sắc thuốc, không nên dùng nồi kim loại mà hãy dùng nồi đất để tránh làm mất đi dược tính của thuốc
  • Nên lựa chọn thuốc ở những địa chỉ uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nếu dùng thuốc với mục đích hỗ trợ điều trị bệnh

Tóm lại, dâm dương hoắc có tác dụng chữa đau thận và liệt dương, hỗ trợ kích thích ham muốn tình dục và nâng cao năng lực hoạt động của tinh hoàn. Những thông tin nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết thêm về tác dụng cũng như cách dùng, tác dụng phụ của thuốc, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến từ thầy thuốc chuyên môn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *