Cúc mốc là cây gì?
- Tên gọi khác: Ngọc phù dung, Nguyệt bạch và Ngải phù dung.
- Tên khoa học: Crossostephium chinense
- Tên dược: Folium Crossostephii
- Họ: Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae)
Cây có nguồn gốc từ Đài Loan. Hiện nay loài thực vật này đã được di thực vào nước ta để làm cảnh. Ngoài ra cúc mốc còn được trồng nhiều ở Malaysia, Philipin, Trung Quốc, Campuchia, Lào,…
Lá của cây cúc mốc được thu hái để làm thuốc. Thu hái lá quanh năm, sau khi thu hoạch có thể dùng tươi hoặc phơi khô để dùng dần.
Đặc điểm nhận dạng của cây cúc mốc
Cúc mốc là loài thực vật thân nhỏ, cành non thường được phủ lông trắng. Thân ngắn, cứng và phân chia nhánh ngay ở gốc. Lá có hình như hoa cúc, lá phía dưới có 3 thìa, mép lá nguyên, hai mặt đều được phủ lông trắng. Lá mọc sát thành bụi dày và có màu xám như mốc nên được gọi là cúc mốc.
Hoa mọc ở giữa lá, thường mọc thành chùm, hoa vàng, tròn và nhỏ. Quả bế, hình trứng ngược. Cây ra hoa vào tháng 12 – 2 và có quả vào tháng 2 – 3.
Thành phần hóa học có trong cây cúc mốc
Toàn bộ cây chứa tanacetin, quercetagetin, scopoletin, 5-O-methyl-myo-inositol, 7-trimethylether, selagin, apometzgerin, chrysoeriol, tricetin 3, etanolic, tinh dầu,…
Cúc mốc có tác dụng gì?
Tính vị: Vị cay thơm, tính mát và không có độc.
Quy kinh: Quy vào kinh Phế và Can.
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Ngọn và lá của cây có tác dụng ức chế vi nấm.
- Dược liệu có đặc tính chống oxy hóa, kiểm soát lượng đường trong máu, bảo vệ gan và chống viêm.
- Tác dụng bài tiết insulin: Quercetagetin-3, 5-O-methyl-myo-inositol, 7-trimethylether trong cúc mốc có tác dụng tăng bài tiết insulin ở chuột thực nghiệm.
- Tác dụng chống viêm: 6-Methoxy-7-hydroxycoumatrin từ dược liệu có tác dụng chống viêm vở chuột thực nghiệm.
- Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường: Chiết xuất toàn bộ cây khô có tác dụng ức chế alpha-glucosidase. Do đó loài thực vật này có triển vọng được bào chế thành thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
- Điều trị bệnh gout: Một số nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ cúc mốc có tác dụng ức chế quá trình hình thành muối urat tại khớp xương.
Theo Đông Y:
- Công dụng: Trừ uế khí, minh mục (làm sáng mắt), làm tan màng mây, dưỡng phế khí, trị can khoa.
- Chủ trị: Thường được sử dụng để chữa các chứng cảm mạo, kinh nguyệt không đều, ăn uống khó tiêu, nhức đầu, ho, đau bụng,…
- Ở Đài Loan, nhân dân dùng cúc mốc để chữa sỏi bàng quang, viêm gan, viêm khớp dạng thấp, cảm lạnh, viêm dạ dày và các vấn đề về tuyến tiền liệt.
- Ở Trung Quốc, cúc mốc được dùng để chữa tiểu đường.
Liều lượng, cách dùng cúc mốc
Cúc mốc thường được dùng ở dạng thuốc sắc hoặc hãm.
Liều dùng từ 10 – 16g/ ngày.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây cúc mốc
1. Bài thuốc chữa ho
- Chuẩn bị: Lá húng chanh 20g và lá cúc mốc 15g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang trong liên tục 5 ngày.
2. Bài thuốc điều hòa kinh nguyệt
- Chuẩn bị: Ngải cứu 10g, lá ích mẫu 15g và lá cúc mốc 20g.
- Thực hiện: Sắc nước còn lại khoảng 180ml, đem chia thành 3 lần uống. Ngày dùng 1 thang cho đến khi kinh nguyệt đều trở lại.
3. Bài thuốc trị ho ra máu
- Chuẩn bị: Lá huyết dụ 8g, cỏ nhọ nồi 5g và lá cúc mốc 15g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, chia thành 3 lần dùng. Áp dụng bài thuốc liên tục trong 7 – 10 ngày.
4. Bài thuốc trị chứng đầy hơi
- Chuẩn bị: Gừng 3g, vỏ quýt 8g, lá cúc mốc 15g và hạt mít 10g.
- Thực hiện: Đem sắc uống ngày dùng 1 thang, chia thành 3 lần uống và dùng khi thuốc còn nóng.
Lưu ý khi sử dụng cây cúc mốc chữa bệnh
Phần lớn các bài thuốc từ cây cúc mốc đều được lưu truyền trong phạm vi dân gian. Vì vậy một số bài thuốc có thể không được chứng thực về mức độ an toàn và hiệu quả.
Phụ nữ mang thai và người có vấn đề sức khỏe đặc biệt nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng bài thuốc từ dược liệu này.
Tóm lại, cúc mốc còn có nhiều công dụng hữu ích và được dân gian sử dụng để chữa chứng ho kéo dài, ho ra màu, đầy hơi, chướng bụng và điều hòa kinh nguyệt,… Thông tin trong bài viết chỉ mang giá trị tham khảo. Nếu có thắc mắc về dược liệu cúc mốc, bạn nên chủ động tham vấn y khoa để được giải đáp cụ thể.