Củ chóc là cây gì?
- Tên gọi khác: Bán hạ nam, Bán hạ lá ba thùy, Cây chóc chuột
- Tên khoa học: Typhonium trilobatum Schott
- Họ: Ráy (danh pháp khoa học: Araceae)
Củ chóc phân bố nhiều ở các địa phương của nước ta. Ngoài ra, loài thực vật này còn mọc ở một số nước có khí hậu nhiệt đới như Ấn Độ, Thái Lan, Lào và Trung Quốc.
Dược liệu được thu hái vào tháng 7 – 12 hằng năm. Sau khi hái về, đem rửa sạch tạp chất và đất cát. Sau đó cắt bỏ rễ con, đem đồ cho chín. Củ to đem thái phiến, phơi/ sấy khô còn củ con để nguyên.
Các thành phần hóa học bên trong củ chóc, bao gồm 1.4% protein, 1% chất sợi, 1.6% chất vô cơ, 20mg phosphor,… Ngoài ra dược liệu còn chứa một số thành phần khác như acid folic, iodin, choline, thiamin, niacin, catorene,…
Đặc điểm nhận dạng cây củ chóc
Củ chóc là cây thân thảo, sống hằng năm. Cây không có thân, chiều cao khoảng 20 – 30cm. Thân củ của cây có các khía ngang, hình cầu và nằm ở dưới đất. Lá mọc trực tiếp từ củ, cuống dài, màu tím pha đỏ nhạt. Phiến lá được chia thành 3 thùy (nên còn được gọi là bán hạ ba thùy), thùy giữa to hơn 2 thùy còn lại. Mép lá uốn lượn, mặt dưới có màu đỏ tím.
Cụm hoa có màu lục pha tím, mặt trong có màu đỏ hồng, mặt ngoài có màu lục nhạt. Cây ra hoa vào tháng 5 – 7 hằng năm.
Ngoài ra, còn có cây bán hạ dại (củ chóc ri) tác dụng tương tự nhưng ít phổ biến. Loài thực vật này có chiều cao thấp hơn, lá có cũng được chia thành 3 thùy, 2 thùy bên ngắn và hẹp. Quả mọng, có hình trứng, chiều dài khoảng 6mm.
Chế biến củ chóc như thế nào?
Tuy nhiên củ chóc có thể gây tê, ngứa và ngộ độc nên trước khi dùng phải chế biến. Một số phương pháp bào chế dược liệu:
- Tẩm với nước bồ kết hoặc gừng, sao vàng để tăng tác dụng trị ho.
- Tẩm với phèn chua, nước vôi, nước cam thảo và nước vo gạo để giảm tính ngứa của dược liệu.
- Đem củ chóc rửa sạch và ngâm với nước trong 2 – 3 ngày. Mỗi ngày thay nước 1 lần cho đến khi nước trong hẳn. Tẩm 1kg dược liệu với 0.1kg bồ kết và 0.1kg cam thảo, cho nước vào. Đun sôi đến khi cạn, đem phơi hoặc sấy cho khô hoàn toàn.
- Ngâm rửa củ chóc như trên. Sau đó dùng 1kg dược liệu thêm 300g gừng tươi (giã nát) và 50g phèn chua. Thêm nước vào cho ngập và ngâm trong 24 giờ. Sau đó lấy ra rửa sạch, đồ chính và thái mỏng. Lại tẩm thêm nước gừng theo tỷ lệ 1kg dược liệu với 150g gừng tươi (giã nát), thêm nước vào và vắt lấy nước. Cho dược liệu ngâm với nước gừng trong 1 đêm. Khi lấy ra, đem sao vàng là dùng được.
- Ngâm củ chóc trong nước vo gạo từ 1 – 2 ngày. Sau đó vớt ra, rửa sạch và tiếp tục ngâm với phèn chua 2 ngày. Khi dùng lưỡi nếm không còn vị chua thì vớt ra, rửa sạch và để cho ráo nước hoàn toàn. Dùng chày giã củ cho hơi dập, sau đó phơi khô. Khi dùng tẩm nước gừng trong 3 giờ và sao cho cháy cạnh.
- Tài liệu cổ có ghi, đem 120g dược liệu, 200g giấm chua và 80g bạch giới tử. Sau đó cho bạch giới tử giã nát và khuấy đều với giấm. Thêm dược liệu vào và ngâm trong 1 đêm. Cuối cùng rửa sạch và đem ra dùng.
Cây củ chóc có tác dụng gì?
Tính vị: Vị cay, tính ôn và có độc.
Qui kinh: Quy vào kinh Vị và Tỳ.
– Theo Đông Y:
- Tác dụng: Hạ khí, hòa vị, tán phong đờm, giáng nghịch và chống nôn.
- Chủ trị: Chống nôn mửa do đau dạ dày mãn tính, hen suyễn, ho có đờm và ho lâu ngày.
- Ở Ấn Độ, bán hạ ba thùy được dùng để chữa trĩ, đau dạ dày và mụn nhọt sưng đau.
– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
Củ chóc (bán hạ nam) ít được nghiên cứu trên cơ sở khoa học. Tuy nhiên dược liệu này có tác dụng dược lý tương tự bán hạ bắc (Cây bán hạ của Trung Quốc). Một số tác dụng dược lý đã được công nhận của cây bán hạ bắc:
- Tác dụng ức chế thần kinh trung ương: Dùng dịch bán hạ tiêm dưới da ở chuột nhắt trắng nhận thấy tác dụng ức chế các hoạt động tự nhiên.
- Tác dụng chống nôn: Dịch chiết bán hạ có tác dụng ức chế nôn do đồng sulfat. Trong khi đó, nước sắc dược liệu có tác dụng đối với cả động vật được gây nôn bằng apomorphin.
- Tác dụng chống ho: Thực nghiệm trên mèo nhận thấy, hiệu lực giảm ho của bán hạ ở liều 0.6g/ kg trọng lượng tương đương với 1mg/ kg Codein.
- Tác dụng chống loét: Dịch chiết dược liệu có tác dụng ức chế quá trình bài tiết dịch vị và ngăn ngừa tình trạng viêm loét dạ dày lan rộng.
Liều lượng, cách dùng cây củ chóc
- Có thể dùng củ chóc để sắc uống, làm việc hoặc dùng ngoài.
- Liều dùng thông thường: 3 – 10g/ ngày.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây củ chóc
1. Bài thuốc chữa mụn nhọt sưng đau
- Chuẩn bị: 1 ít củ chóc tươi.
- Thực hiện: Giã nát và đắp trực tiếp lên mụn nhọt sưng đau.
2. Bài thuốc chữa chứng nôn mửa, ho lâu ngày, ho gió và ho có đờm
- Chuẩn bị: Trần bì, củ chóc và rễ dâu mỗi thứ 150g, ô mai, lá táo, cát cánh, lá chanh và cam thảo dây mỗi thứ 100g, đường 200g.
- Thực hiện: Mang cát cánh, rễ dâu, trần bì và củ chóc phơi và sấy cho giòn, sau đó tán bột mịn. Lá táo, cam thảo dây và lá chanh đem sắc với 400ml nước, còn lại khoảng 100ml, thêm đường và nấu cho thành cao. Ô mai lấy thịt, bỏ hạt và giã nát. Trộn các dược liệu lại, vo thành viên, mỗi viên nặng 0.5g. Trẻ nhỏ dùng từ 5 – 15 viên (tùy độ tuổi), người lớn dùng 15 – 20 viên/ ngày.
3. Bài thuốc chữa ho lâu ngày
- Chuẩn bị: Hạt củ cải, trần bì và củ chóc mỗi thứ 15g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống.
4. Bài thuốc chữa hoắc loạn khiến bụng đầy trướng
- Chuẩn bị: Quế chi và củ chóc (chế với gừng), mỗi vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Đem các vị tán bột và dùng uống với sắc từ xương bồ và lá lấu.
5. Bài thuốc trị động kinh bị chảy dãi không tỉnh, trúng gió khiến răng cắn không nói được
- Chuẩn bị: Bột củ chóc.
- Thực hiện: Thổi vào lỗ mũi, sau khi hắt hơi sẽ tỉnh. Đồng thời nên xát dược liệu vào răng lợi của bệnh nhân để há miệng và nói trở lại được.
6. Bài thuốc chữa chứng đau bụng, nôn mửa đi ngoài, ho tức ngực, vướng nghẹn ở cổ họng
- Chuẩn bị: Gừng sống 6g, trần bì và củ chóc mỗi thú 8g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
7. Bài thuốc chữa chứng hen suyễn
- Chuẩn bị: Mật lợn/ mật bò và củ chóc (tán bột)
- Thực hiện: Đem dược liệu trộn với mật, chế với hồ làm thành viên. Mỗi lần dùng 2 – 3g uống với nước gừng. Ngày dùng 3 – 4 lần. Nếu đang bị cơn hen cấp, nên uống với nước sắc từ gừng và hẹ (mỗi vị 10g).
8. Bài thuốc chữa kinh giản lưng gáy, miệng chảy dãi
- Chuẩn bị: Gừng sống, kinh giới và củ chóc 12g.
- Thực hiện: Sắc uống. Đồng thời nên dùng củ chóc tán bột, trộn với nước gừng và đắp lên bên mặt không méo và đắp sau gáy.
Lưu ý khi dùng cây củ chóc chữa bệnh
- Củ chóc có tác dụng tương tự như bán hạ Bắc. Do đó có thể dùng dược liệu này thay thế cho bán hạ bắc nếu không tìm thấy nguyên liệu.
- Cần phân biệt củ chóc với mía dò (Costus speciosus). Do ở một số địa phương, mía dò cũng có thể được gọi là củ chóc.
- Không dùng cho người đang mang thai, đại tiện táo, khát nước, khô tân dịch và người bị suy nhược.
Tóm lại, củ chóc có tác dụng chữa hen suyễn, đau dạ dày, buồn nôn, trúng phong và ho khan, ho gió, ho lâu ngày không khỏi,… Mặc dù, củ chóc là vị thuốc Nam quý có nhiều công dụng hữu ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên nếu đang mang thai hoặc có tình trạng sức khỏe đặc biệt, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh rủi ro khi sử dụng.