Cỏ ngọt là cây gì?
- Tên gọi khác: Cúc ngọt, Cỏ đường.
- Tên khoa học: Stevia rebaudiana
- Họ: Cúc (danh pháp khoa học: Asteraceae)
Cây cỏ ngọt là nguyên sản của Paraguay. Vào những năm trước 1990, loài thực vật này được di thực vào nước ta. Hiện nay cây cỏ đường được trồng ở nhiều địa phương nhằm phục vụ cho ngành chế biến dược liệu và thực phẩm.
Búp non và lá cây cỏ ngọt được sử dụng để làm thuốc.
Cỏ ngọt chứa các thành phần hóa học như: Steviol (một loại đường có vị ngọt gấp 300 lần so với đường kính nhưng không chứa năng lượng), chất béo, protein, carbohydrate,…
Đặc điểm nhận dạng cây cỏ ngọt
Cỏ đường là một loại cỏ sống lâu năm và có kích thước nhỏ (khoảng 100cm). Cây có tuổi đời tứ 6 tháng tuổi thường có phần gốc hóa gỗ. Cành phân tại gốc, lá và cành non đều có lông mịn bao phủ.
Lá mọc đối xứng, phiến lá hình mũi mác, rộng 15 – 30mm và dài 30 – 60mm. Mặt lá hiển thị rõ 3 gân bắt nguồn từ cuống. Một số lá có mép răng cưa nhưng một số có mép nguyên.
Hoa mọc thành cụm, hình đầu, mỗi cụm gồm khoảng 5 hoa nhỏ có 5 cánh và màu trắng ngà. Hoa có mùi thơm nhẹ và có 2 vòi nhụy lòi hẳn ra ngoài. Cây ra hoa vào tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Toàn cây có vị ngọt đặc trưng, ngay cả khi đã phơi khô – tập trung nhiều nhất ở lá.
Cách sơ chế cây cỏ ngọt dược liệu
Có thể thu hoạch quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất là vào tháng 8. Khi thu hoạch, đem cắt từng đoạn cành dài 20 – 25cm, sau đó loại bỏ lá già và hư hại rồi đem sấy khô ở nhiệt độ 30 – 40 độ C hoặc phơi nắng nhẹ cho đến khi cây khô hoàn toàn. Nếu thu hái quanh năm, nên thu hái 1 tháng/ lần.
Cỏ đường sau khi phơi khô sẽ có mùi ngai ngáy rất khó chịu. Vì vậy sau khi phơi khô, nên phun nước để làm ẩm dược liệu rồi cho vào trong túi kín ủ từ 2 – 3 ngày. Cuối cùng đem sấy/ phơi khô sẽ làm mất mùi ngai ngái mà không ảnh hưởng đến dược tính và độ ngọt của thuốc.
Cây cỏ ngọt có tác dụng gì?
Tính vị: Vị ngọt.
Quy kinh: Chưa có nghiên cứu.
Tác dụng của cỏ ngọt theo Đông Y:
- Công năng: Hạ huyết áp, lợi tiểu và tiêu khát.
- Chủ trị: Tiểu đường, chảy máu răng, tiểu tiện không thông.
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Chất Steviol trong cỏ đường ngọt gấp 300 lần so với đường kính nhưng không bị phân hủy, lên men và hầu như chứa rất ít năng lượng. Vì vậy có thể ứng dụng thảo dược này để tạo vị ngọt tự nhiên trong bữa ăn của bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp và người đang trong chế độ ăn kiêng.
- Nghiên cứu độc tính của hoạt chất Etanolic trong dược liệu cho thấy cỏ ngọt không ảnh hưởng đến huyết học, triệu chứng lâm sàng, mô bệnh học và hành vi của chuột thực nghiệm.
Hiện nay, cỏ ngọt được sử dụng để chữa các bệnh lý như:
- Viêm lợi gây chảy máu chân răng
- Huyết áp cao
- Tiểu đường
- Phòng ngừa béo phì
- Điều trị rối loạn mỡ máu
- Phòng ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch
Liều lượng, cách dùng cây cỏ ngọt
Cỏ ngọt thường được sử dụng như một loại trà. Ngoài ra có thể thêm cỏ ngọt vào món ăn để tạo vị ngọt tự nhiên mà không gây béo phì hay ảnh hưởng đến nồng độ đường huyết.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cỏ ngọt
1. Bài thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
- Chuẩn bị: Lá cỏ ngọt phơi khô 2.5g.
- Thực hiện: Sắc với 200ml nước còn lại 50ml, thực hiện 2 lần/ ngày trong thời gian dài.
2. Bài thuốc chữa tăng huyết áp
- Chuẩn bị: Lá cỏ ngọt 6g, hoa hòe (sao vàng) 10g, hoa cúc 4g và quyết minh tử (sao cháy) 12g.
- Thực hiện: Rửa sạch và sắc uống hằng ngày.
3. Bài thuốc giúp kiểm soát cân nặng và phòng ngừa các bệnh lý về tim mạch
- Chuẩn bị: Lá cỏ ngọt phơi khô 7.5g.
- Thực hiện: Sắc uống và chia thành nhiều lần uống trong ngày. Sử dụng bài thuốc liên tục trong vòng nhiều ngày.
Như vậy, cỏ ngọt có chứa Steviol – một hoạt chất có độ ngọt gấp 300 lần so với đường kính nhưng không chứa năng lượng. Vì vậy cỏ ngọt được sử dụng để tạo vị ngọt tự nhiên trong món ăn cho bệnh nhân tiểu đường và cao huyết áp. Bài viết đã tổng hợp một số thông tin cần biết về dược liệu cỏ ngọt. Nếu có ý định áp dụng bài thuốc từ dược liệu này, bạn nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được hướng dẫn bài thuốc và liều lượng cụ thể.