Cây kim tiền là cây gì?
Cây kim tiền hay còn gọi là cây kim phát tài, là loại cây cảnh mang lại may mắn, hợp nhiều mệnh, lại có nhiều ý nghĩa trong phong thủy. Tuy là loài cây dễ sống, dễ trồng và chăm sóc nhưng vẫn cần lưu ý các yếu tố để cây khỏe mạnh phát triển, thời điểm cây nở hoa là phát huy mạnh mẽ tính phong thủy của nó nhất.
- Tên khoa học là Zamioculcas xamufollia, thuộc họ thiên nam tinh. Cây kim tiền có nguồn gốc từ châu Á nhiệt đới.
- Cây kim tiền là dạng cây mọng nước, sống lâu năm. Lá kép lông chim, màu xanh thẫm và sáng bóng.
- Lá thon hình bầu dục nhọn hai đầu, dày đẹp.
- Thân cây ngắn, vươn thẳng và xòe sang hai bên dạng đối xứng và phình to dưới gốc. Các nhánh thân mọc thành từng bụi với chiều dài trung bình từ 18-45cm.
- Nhánh mập mạp, mọng nước, hình trụ. Mỗi nhánh thân có khoảng 5-9 cặp lá dày, dài khoảng 4-14cm, chiều rộng 2-5cm.
- Hoa kim tiền có màu trắng tinh khôi, mọc từ gốc tạo thành cụm.
Cây kim tiền có ý nghĩa gì?
- Cây thể hiện sự phú quý, giàu sang và tiền bạc. Đặc biệt khi ra hoa thì vận may của gia chủ ngày càng phát, tài lộc cũng ngày càng nhiều hơn.
- Theo phong thủy phân tích, kim tiền là cây mộc, dinh dưỡng từ Thổ, nước tưới hoặc dung dịch thủy sinh là Thủy, cây trồng chậu hoặc bình thủy tinh là Kim. Vì hội tụ đủ năm yếu tố phong thủy mà cây rất được ưa chuộng.
- Ngoài ra, lá cây kim tiền có viền tròn mang tính âm phù hợp với trang trí hiện đại, theo phong thủy đó là tính dương. Để cân bằng, điều hòa cần các hình thức tròn trịa, âm tính, căng mọng và kim tiền đáp ứng được yêu cầu đó.
- Không những thế, hoa kim tiền có màu trắng tượng trưng cho thịnh vượng và tài lộc đang đơm hoa kết trái và cuộc sống càng thêm sung túc đủ đầy.
- Người ta thường cột lên cành cây những sợi chỉ đỏ hoặc treo lên lá cây vài dây đồng tiền vàng để tượng trưng cho sự phát tài, phát lộc thường thấy vào ngày Tết đến.
- Với màu xanh dịu mát, lá dày và mọng có khả năng hấp thụ các chất độc bay lơ lửng trong không khí, bụi bẩn đem đến không gian trong lành, an toàn, thoáng mát.
- Theo các nghiên cứu cho thấy cây Kim tiền có thể loại bỏ 0.01 mol/m2 các chất dễ bay hơi như benzen, ethylbenzen, toluene, xylen.
- Màu xanh của lá làm dịu mắt và điều hòa mắt về trạng thái cân bằng, có tác dụng giảm stress khi ngắm nhìn cây trong những giờ làm việc căng thẳng.
- Không những vậy, cây kim tiền còn được xem là quà tặng ý nghĩa nhân dịp khai trương, thăng chức với hàm ý chúc cho người được tặng sự phú quý, nhiều tiền tài và may mắn.
Cây kim tiền hợp mệnh gì, tuổi gì?
- Cây kim tiền phù hợp với tất cả 12 con giáp và 5 ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Tuy nhiên cũng có một số điểm cần lưu ý như sau:
- Người mệnh Mộc, Hỏa: Những người mệnh Mộc hoặc mệnh Hỏa là người phù hợp nhất khi trồng loài cây này, vì cây thuộc hành Mộc nên theo ngũ hành tương sinh, Mộc sinh Hỏa là điều tuyệt vời.
- Người mệnh Thổ: Thổ là đất nuôi dưỡng cây phát triển, nên chọn chậu cây hoặc bình màu đỏ, hồng cam hoặc tím là màu Hỏa để bổ trợ tương sinh.
- Người mệnh Kim, Thủy: Theo phong thủy nên chọn chậu cây màu trắng, hoặc vàng hoặc thêm vài viên sỏi trắng hoặc vàng để trang trí, đây là những màu tương trợ rất tốt. Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc.
Cây kim tiền đặt ở đâu thì tốt?
Vị trí đặt cây kim tiền trong nhà có nhiều ánh sáng là để giúp cây quang hợp tốt hơn, xanh tươi quanh năm. Tuy nhiên đặt cây đúng sẽ giúp ngôi nhà của bạn sáng sủa, đẹp đẽ hơn, đồng thời cũng “hút tài” tốt hơn.
Cần ưu tiên đặt cây ở các hướng Đông, Đông Nam và Nam, là các hướng tốt, nằm ở cung tài lộc sẽ mang đến nhiều tiền tài và may mắn cho gia chủ.
Không đặt cây ở khu vực đối diện cửa ra vào. Đây là một điều cấm kị trong phong thủy cây cảnh nhà ở. Vị trí này có thể gây hao tài tán lộc, làm phản ý nghĩa vốn có của cây kim tiền khi trồng trong nhà.
Ngoài ra, cũng có thể để những cây kim tiền nhỏ trên bàn khách, bàn làm việc.
Cách trồng cây kim tiền
Chọn chậu trồng cây kim tiền
Nên chọn những chậu có kích thước lớn để trồng. Lý do cây có bộ rễ khỏe, phát triển mạnh nên cần một không gian đủ lớn. Chọn chậu lớn sau này đỡ mất công chuyển chậu, cây lại có đủ diện tích để phát triển rễ.
Chọn đất trồng cây kim tiền
Nên trồng đất có độ mùn xốp, thoát nước tốt. Có thể trộn đất với mùn trấu, xỉ than tổ ong nghiền nhỏ tạo độ thông thoáng cho đất. Cây kim tiền ưa thích các loại đất chua (độ pH: 5,5 – 6,5).
Hoặc sử dụng các loại đất vi sinh có bán tại cửa hàng cây cảnh giúp tối ưu tốt cho cây mà không tốn nhiều công chăm sóc.
Lưu ý: Nên thay đất khoảng 3 tháng 1 lần, lý do là vì một thời gian đất trở nên cằn cổi, cứng, ít dinh dưỡng sẽ khiến cây chậm phát triển, còi cọc.
Ánh sáng cho cây kim tiền
Là cây ưa sáng, phát triển xanh tốt trong môi trường nhiều ánh sáng, tuy nhiên không nên đặt dưới ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Cây vẫn có thể sống tốt trong bóng râm, nếu để ở nơi ít ánh sáng, mỗi tháng hãy mang cây ra ngoài sáng vài ngày.
Nếu đặt cây ở ngoài thì nên đặt dưới tán cây khác, hoặc có lưới che vừa chắn ánh nắng trực tiếp của mặt trời vừa ngăn cản nước mưa vào chậu gây ngập úng rễ.
Nhiệt độ thích hợp cho kim tiền phát triển
Nhiệt độ lý tưởng cho cây là 25 đến 27 độ C. Ở nhiệt độ dưới 18 độ C cây kim tiền sẽ bị vàng lá rồi rụng. Khi dưới 5 độ C cây sẽ chết.
Độ ẩm cao hay thấp cây đều phát triển bình thường.
Cách trồng cây kim tiền tại nhà
Nhân giống cây kim tiền bằng cách giâm lá
Cách làm này có thể tạo ra rất nhiều cây con trong thời gian ngắn mà không làm ảnh hưởng quá nhiều tới bụi cây kim tiền mẹ.
Mùa xuân khi tiết trời ấm lên là thời điểm thích hợp nhất để nhân giống.
Cách làm:
- Bước 1: Ngắt lá ở cây Kim Tiền mẹ, chọn lá xanh đậm gần sát gốc, khi ngắt lá cần ngắt cả phần cuống.
- Bước 2: Chuẩn bị hỗn hợp đất mùn, tro trấu và phân trùn quế vào trong chậu giâm. Sau đó lấy lá kim tiền chấm phần cuống lá vào thuốc kích rễ.
- Bước 3: Tiếp đó cắm lá vào chậu đất giâm ở độ sâu chừng 1cm, cuối cùng tưới một ít tạo độ ẩm cho đất.
- Bước 4: Sau 4 tuần những chiếc lá được giâm sẽ mọc rễ và tạo thành cây con. Sau khoảng 1 năm thì cây phát triển thành cây trưởng thành.
Lưu ý: Nên đặt cây ở nơi râm mát, tưới nước 2-3 lần trong tuần tùy vào thời tiết.
Nhân giống cây kim tiền bằng cành
Nếu cách làm trên phải mất thời gian khá dài mới có được cây mới thì đối với phương pháp này, thời gian cho cây con nhanh hơn.
Tuy nhiên số lượng cây con sẽ bị hạn chế, phụ thuộc nhiều vào số cành của bụi cây kim tiền mẹ.
Cách làm:
- Bước 1: Chọn những cành kim tiền bánh tẻ, xanh sẫm bóng, không chọn những cành lá xanh nhạt vì đó là những cành non.
- Bước 2: Dùng dao cắt phần thân gần sát gốc cây, khi cắt nên cắt dứt khoát, tránh bị dập vì cây sẽ dễ úng nước.
- Bước 3: Ngắt bớt phần lá dưới cùng của cành kim tiền đã cắt, chọn nơi bóng râm để từ 3-4h đồng hồ cho vết cắt khô hẳn.
- Bước 4: Chậu giâm cho đất Tribat rồi cắm cành vừa mới cắt trước đó vào chậu. Dùng nước tưới cho đất đủ độ ẩm vừa phải.
- Bước 5: Đặt chậu ở nơi khô thoáng, râm mát, 7-10 ngày lại dùng thuốc kích rễ N3M hòa với nước tưới vào phần gốc cành giâm.
Sau 4 tuần bạn đưa chậu cây ra sẽ thấy phần dưới vết cắt cành cũ phình lên và mọc rễ. Lúc này có thể lấy những cây con trồng vào những chậu mới.
Chăm sóc cây kim tiền thế nào?
Tưới nước cho cây kim tiền
Khả năng chịu hạn của kim tiền khá kém, cây đặt trong nhà thì chỉ cần tưới mỗi tuần 1 lần là đủ. Nếu như quá dư thừa lượng nước thì sẽ gây ra tình trạng thối rễ, thối củ. Lâu ngày cây sẽ bị chết.
Nếu cây đặt ở ngoài thi tùy vào thời tiết mà có thể tưới 2-3 lần 1 tuần, còn cây đặt trong phòng máy lạnh thì nên giảm lượng nước tưới.
Cách tưới: Không tưới trực tiếp vào chậu mà dùng bình xịt tưới lên lá, thân và gốc.
Lưu ý: Cây kim tiền thường hay chết do thừa nước, chứ ít khi chết do thiếu nước. Vì vậy chỉ nên tưới đủ ẩm cho đất trong chậu là được.
Bón phân cho cây kim tiền
Khi cây chuẩn bị đẻ nhánh, lúc này bạn có thể bón thúc, sử dụng phân lân NPK để bổ sung dinh dưỡng cho cây.
Khoảng 2-3 tháng nên bón phân cho cây một lần. Phân nên mua tại các cửa hàng bán cây cảnh, loại dùng cho cây kim tiền.
Cách bón: Mỗi lần bón một ít quanh gốc, và cách gốc khoảng 10 – 15cm.
Lưu ý: Không bón quá nhiều phân mỗi lần mà chỉ nên bón một lượng vừa phải. Sau khi bón nên tưới nước ẩm cho đất, để cây dễ dàng hấp thụ.
Vệ sinh lá kim tiền
Việc làm này sẽ giúp cây dễ “thở”, dễ quang hợp hơn. Sử dụng khăn ướt nhẹ nhàng lau phần bụi bẩn bám vào lá, thân và cả phần xung quanh chậu.
Đối với những lá hoặc nhánh bị vàng, thối hoặc héo nên dùng kéo loại bỏ càng sớm càng tốt. Tránh để lây lan sang những nhánh cây khác.
Phòng sâu bệnh hại cây kim tiền
Khả năng chống chịu sâu bệnh của cây kim tiền rất tốt. Một số bệnh thường gặp như lá trắng bệch do thiếu ánh sáng hoặc bị vàng lá thối rễ do thừa nước, úng nước.
Lúc này nên khắc phục bằng cách mang cây ra ngoài ánh sáng như ban công, cửa sổ, hành lang có môi trường thông thoáng, nhiệt độ tăng cây sẽ thoát nước nhanh hơn. Hoặc dừng hẳn ngay việc tưới nước cho cây, kiểm tra lại lỗ thoát nước cho cây.
Cây kim tiền có độc hay không?
Có một số tài liệu đã chỉ ra trong cuống và lá của cây kim tiền có chứa nhiều tinh thể canxi oxalat.
Loại chất này có thể gây kích thích các phần da nhạy cảm, niêm mạc môi, lưỡi, màng nhầy trong họng hoặc kết mạc mắt khi ta ăn nhầm hoặc chạm phải phải dịch do cây tiết ra rồi bôi lên mắt.
Đặc biệt là ở trẻ em có làn da mỏng, dễ kích ứng nên càng nguy hại hơn.
Tuy nhiên, chất canxi oxalate chỉ có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người bạn phải sử dụng một lượng cực lớn. Trong khi đó, chất này lại chứa rất ít trong lá cây kim tiền.
Ngoài ra, nhựa cây có độc vì vậy nếu nuốt phải sẽ xuất hiện mẩn ngứa, mọc mụn,… Những độc tố này này chỉ biểu hiện ở mức độ nhẹ bên ngoài và không đi sâu vào các bộ phận bên trong.
Dính độc từ cây kim tiền phải làm sao?
Biểu hiện là khi bị dính độc tố của cây kim tiền thường là nôn nao, rối loạn tiêu hóa hoặc cảm thấy ngứa rát trong miệng.
Khi đó nên nhanh chóng xúc miệng nhiều lần để giảm lượng độc tố đã tiếp xúc với cơ thể trước đó và đến bệnh viện gần nhất để giải quyết triệt để.
Trường hợp này thường gặp ở trẻ nhỏ, vì vậy khi đặt cây kim tiền trang trí ở nhà bạn nên đặt trên cao, ngoài tầm tay của trẻ em.
Trên đây là cách trồng cây kim tiền tại nhà mà chúng tôi muốn chia sẽ đến các bạn. Hi vọng qua bài viết này các bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích nhé! Chúc các bạn thành công.