Cây một lá là cây gì?
- Tên gọi khác: Thanh thiên quỳ, Lan một lá, Trân châu, Châu diệp, Lan cờ, Chân trâu diệp, Kíp lầu, Slam lài, Bâu thooc, Kíp lầu
- Tên khoa học: Nervilia fordii Schultze
- Họ: Lan – Orchidaceae
Cây một lá thường được tìm thấy ở Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Cây thường chỉ mọc ở các khe núi, dưới tán rừng rậm, dưới bóng cây to, nơi thấp và ẩm ướt.
Tại nước ta, cây thường được tìm thấy ở các vùng núi đá vôi và nơi ẩm ướt ở các chân núi. Cây thường mọc ở các chân núi Cao Lộc, Hữu Lũng, Trùng Kháng, Văn Uyên, Quảng Uyên,…. và các tỉnh ở Lào Cai, Hòa Bình, Ninh Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tây, Sơn La, Lai Châu,…
Toàn thân cây hoặc củ được sử dụng để làm dược liệu. Có khi chỉ sử dụng lá cây, Đông y gọi là Thanh thiên quỳ.
Đặc điểm nhận dạng cây một lá
Cây một lá là một cây thuốc quý, sống lâu năm, có thể cao từ 20 – 30 cm. Thân cây rất ngăn, bên dưới là củ to tròn, có thể nặng khoảng 1.5 – 20 g. Từ củ chỉ mọc lên một lá duy nhất, riêng lẻ, lá phát triển sau khi hoa tàn. Lá có hình tim, tròn, đường kính khoảng 10 – 25 cm. Gân lá tỏa đều từ cuống lá, các gân lá xếp thành hình chân vịt, cuống lá dài khoảng 10 – 20 cm, có màu tím hồng.
Cụm hoa Cây một lá thường có cán dài khoảng 20 – 30 cm. Hoa mọc thưa, khoảng 15 – 20 hoa, mọc thành chùm, có màu trắng, đốm tím hồng hoặc màu vàng xanh hơi ngã sang lục. Lá đài và các cánh hoa giống nhau. Cây ra hoa vào tháng 3 – 5, khi hoa nở đầu cánh hoa ở phía trên chụm lại khiến cho hoa có hình dạng như một chiếc đèn lồng.
Quả nang, hình thoi, trên có nhiều khía giống như quả khế non, quả dài khoảng 2 – 3 cm. Mùa quả vào tháng 4 – 6.
Thông thường sau khi hoa tàn thì lá cây mới bắt đầu phát triển. Do đó, tại các thời điểm nhất định Cây một lá chỉ có thể mang hoa hoặc quả mà không có lá. Hoặc chỉ nhìn thấy lá cây mà không có hoa và quả. Cây thường chỉ phát triển một lá, nên gọi là Cây một lá.
Cách sơ chế dược liệu cây một lá
Cây một lá thường được thu hái vào mùa thu. Sau khi thu hái thì rửa sạch, phơi ráo, lại vò nhẹ lá rồi phơi khô hẳn.
Bên cạnh đó, để bảo vệ cây chỉ nên thu hái lá, để củ lại để cây tiếp tục phát triển. Lá cây có thể thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc khô đều được. Thu hái về để riêng lá to và lá nhỏ, sơ chế.
Bào chế dược liệu Cây một lá thường được thực hiện theo hai cách sau:
- Cách thứ nhất: Hái lá mang về rửa sạch đất cát, phơi sơ qua nắng nhẹ, sau đó dùng tay vò nhẹ. Lúc đầu nên vò từng lá một, sau đó vò nhiều lá. Phơi 2 – 3 ngày cho đến khi lá khô hẳn.
- Cách thứ hai: Lá thu về rửa sạch, đồ qua nước sôi, sau đó đồ qua nước lạnh, lại đồ thêm nước sôi một lần.
Ngoài ra, một số nơi có thể hái lá về rửa sạch, không vò cũng không đồ qua nước sôi trước khi phơi khô.
Tuy nhiên, cách chế biến tốt nhất sẽ khiến lá đổi thành màu tro sẫm hoặc lục đen. Lá vo thành cục tròn có mùi thơm. Những lá nhỏ thường có chất lượng tốt hơn lá to.
Thành phần hóa học có trong cây một lá
Theo một số nghiên cứu, trong lá Cây một lá có chứa:
- Flavonoid
- Triterpenes
- Sterol
- Glycosides Cycloartane
- Nervilia Fordii
Cây một lá có tác dụng gì?
Tính vị: Thanh thiên quỳ tính bình, không độc, vị ngọt nhạt, hơi đắng.
Quy kinh: Thanh thiên quỳ vào kinh Can.
Theo y học hiện đại:
- Hoạt chất Nervilia Fordii có tác dụng chữa bệnh viêm phổi cấp, kháng virus, chống hình thành khối y, hỗ trợ điều trị rối loạn chuyển hóa.
- Được ứng dụng lâm sàng để điều trị hen suyễn, viêm phổi bức xạ, viêm tụy cấp, viêm họng cấp và mãn tính, viêm phổi mãn tính kết hợp với hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Đang được nghiên cứu để điều trị các chứng ung thư phổi, ung thư vòm họng.
Theo y học cổ truyền:
- Nhuận phế
- Thanh nhiệt
- Giải độc
- Giảm ho
- Tán ứ
- Làm dịu các cơn đau
Chủ trị:
- Bệnh ho lao
- Viêm phế quản
- Viêm khóe miệng
- Viêm họng cấp tính
Liều dùng, cách dùng cây một lá
Thanh Thiên quỳ được sử dụng dưới dạng thuốc sắc và đắp ngoài.
Liều dùng khuyến cáo mỗi ngày là 12 – 20 g đối với thuốc sắc, dùng ngoài không kể liều lượng.
Một số bài thuốc hay từ cây một lá
1. Giải độc, đặc biệt là ngộ độc nấm
Dùng 2 – 3 lá Thanh thiên quỳ phơi khô, thái nhỏ, hãm với nước sôi trong vài phút sau đó gạn lấy phần nước, dùng uống. Mỗi ngày uống 3 lần.
2. Bồi bổ cơ thể, dùng mát phổi, chữa lao phổi, ho lâu ngày
Có thể dùng 10 – 20 lá Cây một lá, thái nhỏ, sắc thành thuốc, hãm nước trà hoặc chế biến thành cao lỏng, dùng uống.
3. Chữa mụn nhọt lở ngứa, viêm da
Sử dụng một lượng lá Thanh thiên quỳ vừa đủ (lá tươi) rửa sạch, giã nát, dùng đắp lên các chỗ đau nhức, mụn nhọt, lở loét.
4. Chữa lao phổi, làm mát phổi
Sử dụng 10 – 20 g Thanh thiên quỳ sắc thành thuốc mỗi ngày.
5. Chữa viêm miệng, viêm họng cấp tính
Sử dụng một vài lá Cây một lá tươi, rửa sạch, dùng nhai kỹ.
6. Chữa tạng lao
Sử dụng Thanh thiên quỳ 15 g nấu với thịt lợn, dùng ăn như canh.
7. Chữa trẻ em kém hấp thụ, chậm phát triển
Sử dụng củ Cây một lá nấu với thịt lợn nạc hoặc trứng gia cầm. Dùng ăn như thức ăn kèm cơm.
8. Rượu ngâm bồi bổ cơ thể
Ngâm rượu Thanh thiên quỳ có tác dụng bồi bổ can phế. Cách ngâm như sau:
Sử dụng 1 kg lá và củ khô ngâm với 5 lít rượu. Ngâm liên tục trong 1 tháng là sử dụng được. Mỗi lần dùng 1 ly nhỏ, mỗi ngày một lần.
Lưu ý khi sử dụng cây một lá làm thuốc
Tại Trung Quốc, Cây một lá thường bị giả mạo hoặc nhầm từ với cây Mã đề. Tại nước ta, cây thường bị nhầm thành cây Bát giác liên. Đâu là cũng là cây có củ và một lá.
Do đó, nếu có nhu cầu sử dụng Cây một lá, người dùng nên tìm nơi cung cấp dược liệu uy tín, chất lượng. Sử dụng dược liệu kém chất lượng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Tóm lại, Cây một lá hay thanh thiên quỳ thường được sử dụng để bổ phổi, trị ho, giảm đau, hạ sốt và hỗ trợ giải độc,… Cây một lá hay Thanh thiên quỳ là dược liệu quý với nhiều công dụng chữa bệnh. Trước khi sử dụng dược liệu, người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc hoặc người có chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.