Cây bạch tật lê còn được gọi là thích tật lê, gai yết hầu, tật lê, gai ma vương,… dược liệu bạch tật lê thường được sử dụng trong bài thuốc chữa chứng thận hư yếu, rối loạn cương dương và vô sinh – hiếm muộn. Chi tiết tham khảo công dụng bạch tật lê được chia sẻ bên dưới.

Bạch tật lê là cây gì?

  • Tên gọi khác: Thích tật lê, Gai yết hầu, Tật lê, Gai ma vương,…
  • Tên dược liệu: Fructus Tribuli
  • Họ: Tật lê/ Bá vương (Zygophyllaceae)

Bạch tật lê phân bố ở các nước nhiệt đới và á nhiệt đới, mọc chủ yếu ở ven biển và ven sông. Ở nước ta, loài thực vật này mọc nhiều ở Huế, Quảng Bình và Quảng Trị.

Quả chín của cây bạch tật lê được sử dụng làm dược liệu. Quả tật lê chứa thành phần hóa học đa dạng, gồm có behinic acid, stearic, myristic, alkaloid, saponin, glycosides, arachidic, tannin,…

Quả tật lê thường được thu hái vào tháng 8 – 9 hằng năm. Khi thu hái thường cắt cả cây về, sau đó dùng gậy đập để quả rơi ra. Quả được chọn phải là quả già, cứng và chắc. Có thể dùng sống hoặc sao qua cho cháy gai trước khi dùng.

Hoặc có thể bào chế theo những cách sau:

  • Đồ quả trong 3 giờ, sau đó phơi khô và giã cho hết gai. Tiếp theo đem tẩm rượu, đồ tiếp trong 3 giờ, phơi khô và để dùng dần.
  • Bỏ các quả được chọn vào nước để loại bỏ gai và quả lép. Sau đó đem sao vàng và nghiền thành bột.

Bạch tật lê: Đặc điểm, tác dụng và bài thuốc trị bệnh

Đặc điểm nhận dạng cây bạch tật lê

Bạch tật lê là loài thực vật mọc bò, lá kép lông chim, phiến lá dưới phủ nhiều lông trắng và dài khoảng 1cm. Hoa của cây nở vào cuối mùa xuân và đầu mùa hạ, hoa có màu vàng chanh. Quả tật lê cứng, có nhiều gai và gồm có 5 cạnh.

Quả bạch tật lê có tác dụng gì?

Tính vị: Vị đắng, hơi cay. Nếu sao lên thì có tính ấm còn dùng sống thì có tính bình.

Qui kinh: Qui vào kinh Phế và Can.

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Dịch chiết protodioscin trong quả tật lê tác động chuyển hóa DHEA giúp cải thiện chức năng cương dương và ham muốn tình dục ở nam giới.
  • Ngoài ra, thành phần trong dược liệu còn tác động đến tuyến yên nhằm tăng cường hormone nam tự nhiên.

Theo Đông y:

  • Công dụng: Hành huyết, tán phong, bình can và thắng thấp.
  • Chủ trị: Người bị tắc sữa, mắt đỏ, đau đầu, yếu sinh lý, thận yếu, di tinh, phong ngứa,…

Liều lượng, cách dùng bạch tật lê

Có thể dùng sống hoặc sao với rượu trước khi dùng. Bạch tật lê thường được dùng ở dạng thuốc sắc, hãm và tán bột. Liều dùng trung bình: 12 – 14g/ ngày.

Bạch tật lê và sức khỏe tình dục

Một số bài thuốc chữa bệnh từ bạch tật lê

Bài thuốc chữa đau bụng kinh và rối loạn kinh nguyệt

  • Chuẩn bị: Đương quy và quả tật lê mỗi thứ 12g.
  • Thực hiện: Đem các vị sắc với 400ml nước, còn lại khoảng 200ml. Mỗi lần dùng 100ml, uống vào sáng và tối.

Bài thuốc trị lở loét và ngứa ngáy da

  • Chuẩn bị: Ý dĩ và thương nhĩ tử mỗi thứ 3g, kinh giới 6g, bạch tật lê 9g và thổ phục linh 6g.
  • Thực hiện: Dùng các vị sắc lấy nước uống, dùng đến khi triệu chứng trên da biến mất.

Bài thuốc chữa đau và nhức mắt

  • Chuẩn bị: Bạch tật lê
  • Thực hiện: Bỏ quả tật lê vào chén trà, hãm nóng rồi đưa mắt vào hơi nước để giảm đau.

Bài thuốc trị chứng giảm thị lực, chảy nước mắt, ngứa và đau mắt

  • Chuẩn bị: Bạch cúc 9g và quả tật lê 12g.
  • Thực hiện: Đem đun với 3 chén nước, còn lại khoảng 2 chén, chia thành 2 lần sáng – tối.

Bài thuốc chữa chóng mặt và đau đầu do dương can thăng

  • Chuẩn bị: Cẩu đằng, ngưu tất và bạch tật lê.
  • Thực hiện: Sắc uống.

Bài thuốc chữa chứng ngứa ngoài da mãn tính

  • Chuẩn bị: Rễ phòng phong, bạch tật lê và ve sầu.
  • Thực hiện: Sắc lấy nước uống cho đến khi khỏi.

Bạch tật lê ngâm rượu giúp cải thiện sinh lực cho nam giới

  • Chuẩn bị: Dâm dương hoắc 300g, bạch tật lê 1000g, kỷ tử và viễn chí mỗi thứ 200g, 10 lít rượu trắng.
  • Thực hiện: Ngâm rượu trong khoảng 30 ngày là dùng được. Mỗi lần dùng 1 ly nhỏ, uống trước hoặc sau khi ăn.

Bài thuốc trị bứt rứt vùng thượng vị, ngực, tắc sữa và cương vú

  • Chuẩn bị: Thanh bì, sài hồ, tật lê và hương phụ.
  • Thực hiện: Gia giảm các vị và sắc uống.

Bài thuốc chữa chứng hoa mắt, đau đầu, chóng mặt

  • Chuẩn bị: Bạch thược, cúc hoa, bạch tật lê và câu đằng.
  • Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.

Lưu ý khi dùng bạch tật lê chữa bệnh

  • Không dùng cho người có khí yếu huyết hư.
  • Tác dụng phụ khi dùng quá liều: Chứng vú to ở nam giới, rối loạn vận động, đau dạ dày, tiêu chảy và yếu liệt chi.

Lợi ích sức khỏe từ Bạch tật lê

Tóm lại, dược liệu bạch tật lê thường được sử dụng trong bài thuốc chữa chứng thận hư yếu, rối loạn cương dương và vô sinh – hiếm muộn.  Bạch tật lê chủ yếu được dùng để hỗ trợ chức năng sinh lý của nam giới. Tuy nhiên tình trạng lạm dụng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ. Vì vậy để được hướng dẫn bài thuốc phù hợp với tình trạng, bạn nên chủ động tìm gặp thầy thuốc.