Cây nhót là cây gì?
- Tên gọi khác: Lót, Hồ đồi tử, Bất xá
- Tên gọi theo khoa học: Elaeagnus Latifolia
- Họ: Nhót – Elaeagnaceae
Nhót thường được trồng ở nhiều nơi tại miền Bắc nước ta. Một số vùng ở miền Trung cũng tìm thấy Nhót. Miền Nam ít khi thấy Nhót.
Lá, hoa, quả và rễ Nhót được ứng dụng để làm dược liệu điều trị bệnh.
Quả Nhót thu hái khi quả chín đỏ hoặc xanh tùy theo nhu cầu sử dụng. Lá và rễ Nhót có thể thu hái quanh năm. Sau khi thu hái rửa sạch, thái đoạn ngắn, có thể dùng tươi hoặc phơi khô đều được.
Mô tả dược liệu Nhót
Nhót thuốc nhóm cây bụi, độ dài có thể lên đến 7m, thân và cành Nhót thường có gai nhỏ. Thân, cành, mặt sau của lá và quả Nhót thường có một lớp vải mỏng màu trắng, tròn, màu trắng xếp sát cạnh nhau. Lớp vải này thường bám rất dày và chắc ở quả Nhót khi quả còn non. Đế khi quả già lớp vảy sẽ mỏng dần đi và dễ chà xát.
Lá Nhót hình bầu dục, mọc so le, mặt trên lá có màu xanh lục bóng, đôi khi có nhiều chấm nhỏ rải rác như bụi bám. Bên dưới lá có màu trắng bạc, bóng và có nhiều lông mịn.
Quả Hồ đồi tử có hình bầu dục, màu đỏ, bên ngoài có nhiều vảy, lông mịn, màu trắng, hình sao, phía trong có một hạch cứng. Trên thực tế, quả Nhót là một quả khô chứa bên trong hạch cứng. Cuống quả có 7 cạnh lồi dọc bởi sự phát triển của đế hoa và lớp thịt đỏ bên ngoài. Phần quả Nhót thường được sử dụng để ăn vặt, mọng nước là phần đế của hoa Nhót.
Quả có thể ăn khi còn xanh hoặc chín đỏ. Khi ăn nên rửa kỹ hoặc chà xát bên ngoài vỏ để cho bong hết vảy. Bởi vì lớp vỏ này có thể bám vào thành họng và gây đau họng, viêm họng.
Thành phần hóa học có trong quả nhót
Trong quả Nhót có đến 92% là nước. Ngoài ra, quả cũng chứa một số thành phần hóa học khác như:
- Protid
- Cellulose
- Acid hữu cơ
- Calcium
- Glucid
- Phosphor
- Sắt
Trong lá Nhót có chứa Tanin, Polyphenol, Saponozit. Vỏ nhót có thể chiết xuất được Alcaloid Eleagnin và dầu Alcaloid. Vỏ cây cũng chứa nhiều vết tinh dầu.
Cây nhót có tác dụng gì?
Tính vị: Nhót vị chua, hơi chát, tính bình.
Quy kinh: Quy về kinh Phế đại tràng.
Theo y học hiện đại:
- Kháng khuẩn gram âm (-) và gram dương (+).
- Kháng chủng trực khuẩn lỵ như Shigella Sonnei, Shigella Shiga, Shigella Dysenteria, Shigella Flexneri.
- Chống viêm cấp tính và mạn tính.
- Hỗ trợ sự co bóp của tử cung.
Theo y học cổ truyền:
- Quả Nhót thường dùng để chỉ ho, tiêu đờm, điều trị hen suyễn, chỉ tả.
- Lá Nhót có vị chát thường dùng chỉ ho, bình suyễn, giảm sốt, điều trị phong hàn.
- Nhân hạt Nhót có tác dụng kháng khuẩn dùng để điều trị nhiễm giun sán.
- Rễ Nhót có tác dụng giảm đau, cầm máu. Thường được sử dụng dưới dạng thuốc sắc, dùng độc vị hoặc kết hợp với các vị thuốc khác.
Liều lượng, cách dùng vị thuốc từ cây nhót
- Lá Nhót có thể dùng tươi hoặc khô. Thuốc có thể sắc thành nước hoặc chế thành bột. Liều lượng khuyến cáo là 6 – 10 g mỗi ngày.
- Rễ Nhót thường được nấu thành nước, dùng tắm hoặc thoa ngoài. Liều lượng khuyến cáo là 6 – 12 g mỗi lần.
- Quả nhót thường dùng để ăn tươi. Liều lượng khuyến cáo khoảng 8 – 12g (khoảng 5 – 7 quả phơi khô).
Một số bài thuốc sử dụng cây Nhót dược liệu
1. Điều trị tiêu chảy, kiết lỵ mạn tính
Sử dụng khoảng 5 – 7 quả Nhót sắc thành nước, dùng uống.
Hoặc dùng 40g rễ Nhót sắc với 20 g rễ Mơ, dùng uống trong ngày.
2. Chữa thổ huyết, đau bụng, nuốt vướng
Sử dụng 30g rễ Nhót, sắc thành thuốc uống trong ngày.
3. Chữa ho khạc ra máu, hen suyễn
Dùng 30g lá Nhót khô, 5 lá Bồng bồng đã lau sạch lông lá, thái nhỏ, sắc thành thuốc, dùng uống.
4. Điều trị bệnh ho, hen, khó thở
Sử dụng quả Nhót 6 – 12 g sắc thành thuốc, hãm thành nước hoặc dùng bột pha với nước, dùng uống. Mỗi ngày uống một lần cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm hẳn.
5. Điều trị mụn nhọt
Sử dụng một lượng vừa đủ rễ Hồ đồi tử nấu thành nước, dùng tắm.
6. Điều trị ho hoặc nôn ra máu, chảy máu cam
Sử dụng 16g rễ Nhót (sao đen) sắc thành thuốc, mỗi ngày uống một thang.
Ngoài ra, có thể phối hợp với cỏ Nhọ nồi, Trắc bạch diệp, Ngải diệp, liều lượng bằng nhau. Tất cả các vị thuốc mang đi sao đen, sắc thành thuốc, chia thành 3 lần uống trong ngày và uống trước bữa ăn chính 1.5 giờ. Mỗi ngày uống một thang và cần kiêng các thứ cay nóng như rượu, bia, gia vị cay như tiêu, ớt,…
7. Điều trị phong thấp, đau nhức cơ xương khớp
Sử dụng 120 g rễ Nhót, 60g Hoàng tửu, 50 g chân giò lợn hầm nhừ và ăn trong ngày.
8. Điều trị kinh nguyệt không đều
Sử dụng 30 – 60g rễ Nhót sắc thành nước, dùng uống ngay sau bữa ăn chính.
9. Chữa hen suyễn, ho ra nhiều đờm
Sử dụng lá Nhót 6g, lá Táo ta 12g, hạt Củ cải và hạt Cải bẹ sao vàng mỗi vị 6g, cho các vị thuốc vào túi vảo, giã dập. Mang các vị thuốc sắc kỹ thành thuốc, chia thành 3 lần uống trong ngày, trước bữa ăn chính.
Một liệu trình khoảng 2 – 3 tuần. Sử dụng thuốc mỗi ngày cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm hẳn.
Ngoài ra, có thể dùng lá Nhót sao vàng, tán thành bột mịn, mỗi lần dùng hòa 4g vào nước cơm nóng để uống. Mỗi ngày uống 2 lần, dùng liên tục trong 2 tuần.
10. Điều trị viêm xoang
Sử dụng hoa Hồ đồi tử và búp cây Đa long, mỗi vị phân lượng bằng nhau, tán nhỏ. Mỗi lần dùng 8g pha với rượu nhạt (nồng độ thấp), mỗi ngày sử dụng 2 lần.
11. Điều trị rắn cắn, ong đốt
Sử dụng một nắm lá Hồ đồi tử tươi, rửa sạch, giã nát, dùng nước cốt uống với rượu. Kết hợp đắp bã vào vết thương.
12. Điều trị bệnh vàng da (hoàng đản)
Sử dụng 15 – 18g rễ Nhót sắc lấy nước, dùng uống ngay trong ngày.
13. Điều trị phù thũng sau sinh
Sử dụng 12g rễ Nhót, 12g Ích mẫu cao sắc thành nước, pha thêm một ít đường đỏ, chia thành 2 – 3 lần uống trong ngày.
14. Chữa gan, lá lách sưng đau
Dùng 10 hạt hạt giã nát rồi trộn cùng 8g nghệ đen sau đó sắc lấy nước dùng uống.
15. Điều trị bệnh chàm (eczema)
Dùng một nắm rễ Nhót sắc thành nước. Chờ nước ấm thì dùng để ngâm, thoa vùng da bị tổn thương. Sau đó dùng khăn khô, sạch lau vùng da bệnh.
Lưu ý khi dùng dược liệu Nhót chữa bệnh
- Phụ nữ có thai không được sử dụng lá và rễ Nhót.
- Quả Nhót không phù hợp với trẻ em dưới 1 tuổi. Ngoài ra, trẻ em cũng nên hạn chế sử dụng Nhót. Quả có tính axit cao có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày và hệ thống tiêu hóa của trẻ em.
- Bệnh nhân táo bón kết hợp tiêu chảy, đầy hơi chướng bụng không nên ăn quả Nhót.
- Bệnh nhân đau dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng không nên ăn nhiều Nhót.
- Khi sử dụng cần cẩn trọng nhầm lẫn với Nhót tây, là cây thường mọc hoang ở nhiều vùng Cao Bằng, Lạng Sơn,…
Tóm lại, lá, hoa, quả và rễ cây Nhót còn được sử dụng để điều trị viêm khớp, tiêu chảy, ho ra máu, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ,… Nhót là loại quả ăn vặt phổ biến và là một vị thuốc có nhiều ứng dụng trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, khi sử dụng Nhót người dùng nên trao đổi với thầy thuốc để có liều dùng và hướng dẫn cụ thể.