Cúc Bách Nhật Là Cây Gì? Tác Dụng Và Một Số Bài Thuốc Từ Cúc Bách Nhật

Cúc bách nhật còn được gọi là cây bách nhật bạch, cây nở ngày, Thiên kim hồng, Hoa bi, Bách nhật hồng,… Cúc bách nhật có vị ngọt, tính bình giúp hạ huyết áp, trị tiêu lỏng ở trẻ em, giảm ho, chữa hen suyễn. Vị thuốc này thường được sử dụng theo hình thức sắc uống độc vị hoặc phối hợp với các thảo dược khác với liều lượng từ 6 – 12g. Chi tiết hãy cùng tham khảo.

Cúc Bách Nhật là cây gì?

  • Tên gọi khác: Bách nhật bạch, Nở ngày, Thiên kim hồng, Hoa bi, Bách nhật hồng, Bạch nhật, Thiên nhật hồng.
  • Tên khoa học: Gomphrena globosa
  • Họ: Dền – Amaranthaceae

Cây cúc bách nhật có thể mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh trong các công viên. Loại cây này được tìm thấy ở hầu hết các nước nhiệt đới, nhiều nhất phải kể đến Việt Nam hoặc Trung Quốc.

Cụm hoa cúc bách nhật là bộ phận có giá trị dược liệu cao được sử dụng làm thuốc chữa bệnh trong y học cổ truyền. Hoa cúc bách nhật được thu hoặc vào mùa Hạ hoặc mùa Thu. Bông hoa được hái mang về rửa sạch, phơi hoặc sấy cho đến khi khô hẳn.

Đặc điểm nhận dạng cây cúc bách nhật

Cúc bách nhật là cây thân thảo, mọc hàng năm. Cây có thân nhỏ, hình trụ phân nhánh, vỏ ngoài thô màu tím hồng pha lẫn màu xanh. Chiều cao trung bình của cây trưởng thành tầm 40 – 60cm. B ên ngoài thân có lớp lông mềm. Các cành hình hơi vuông. Cả thân và cành đều phân đốt. Chỗ đốt có khuynh hướng phình to hơn so với đoạn thân.

Lá cây cúc bách nhật thuộc dạng lá đơn, nhọn ở đầu hoặc hơi tù. Các lá mọc đối xướng hai bên cành hoặc gốc cành. Cuống lá ngắn, khoảng 0,5–1 cm. Mặt trên và dưới đều có nhiều lông nhỏ. Kích thước các lá khoảng 5-10cm ( chiều dài ) và 2 – 5cm ( chiều rộng). Lá có phiến hình trứng ngược.

Hoa cúc bách nhật có nhiều màu sắc khác nhau. Có thể là màu trắng, màu tím hoa cà, màu đỏ hay màu hồng. Đường kính các bông từ 1,5 – 2cm.

Thành phần hóa học của cúc bách nhật

Nghiên cứu thành phần của cụm hoa cúc bách nhật, các nhà khoa học chiết được một số chất như: Izoamaranthin, betaxyamin và amanthin. Riêng betaxyamin bao gồm các loại:

  • GomphreninI
  • Gomphrenin II
  • Gomphrenin III
  • Gomphrenin V
  • Gomphrenin VI

Cúc bách nhật có tác dụng gì?

Tính vị: Vị ngọt, Tính bình

Dược liệu cúc bách nhật có công dụng làm mát tạng can, tán ứ, giảm ho, hạ áp, làm sáng mắt, bình suyễn.

Cúc bách nhật được sử dụng trong điều trị các bệnh lý sau:

  • Ho
  • Hen suyễn
  • Cao huyết áp
  • Đau đầu do phong hỏa
  • Suy giảm thị lực
  • Bệnh kiết lỵ
  • Viêm loét da
  • Chướng bụng, tiêu lỏng ở trẻ em
  • Viêm phế quản

Liều lượng, cách dùng cúc bách nhật

  • Mỗi ngày từ 6 – 12g tùy theo đối tượng và mục đích trị bệnh
  • Cách sử dụng cúc bách nhật
  • Sắc uống độc vị hoặc phối hợp với một số thảo dược khác
  • Độc tính: Không độc

Một số bài thuốc chữa bệnh sử dụng cúc bách nhật

Việc dùng cúc bách nhật sẽ đạt được hiệu quả cao hơn nếu dược liệu này được sử dụng đúng cách, đúng liều lượng. Dưới đây là các bài thuốc chữa bệnh có cúc bách nhật đang được y học cổ truyền ứng dụng rộng rãi.

1. Bài thuốc điều trị bệnh hen phế quản

  • Chuẩn bị: Tỳ bà diệp, cúc bách nhật và lá một hoa mỗi vị 6g, nhót 10g.
  • Cách sử dụng: Sắc thuốc chia 2 lần uống vào buổi sáng và buổi tối. Hoặc có thể tán tất cả thành bột, mỗi lần lấy 1,5 – 3g pha với nước ấm uống x 2 – 3 lần trong ngày.

2. Điều trị đau đầu do bị phong hỏa

  • Chuẩn bị: Bông cúc bách nhật, dây móc câu và cương tàm mỗi vị 6g, cúc hoa 10g
  • Cách dùng: Sắc thuốc mỗi ngày 1 thang chia làm 2 lần dùng

3. Bài thuốc điều trị bệnh viêm đại trạng thể lỏng ở giai đoạn mãn tính

  • Chuẩn bị: 15g hoa cúc bách nhật, 10g ngũ trảo và 30g câu cốt diệp
  • Cách sử dụng: Sắc uống

4. Bài thuốc điều trị ho cho các trường hợp bị ngoại cảm phong nhiệt

  • Chuẩn bị: 20g hoa cúc bách nhật phối hợp với 30g nhót tây (tỳ bà diệp), 10g bạc hà
  • Cách dùng: Sắc thuốc với 5 cốc nước lớn cho cạn còn 3 cốc. Chia đều ra uống vào các buổi sáng, trưa, tối. Nên uống khi thuốc sắc còn ấm để xoa dịu cơn ho và tình trạng kích ứng trong cổ họng.

5. Điều trị bệnh hen suyễn hoặc viêm phế quản

  • Bài 1: Dùng 10 bông hoa cúc bách nhật tươi ( tương đương 15-20 g hoa khô). Sắc lấy nước đặc uống.
  • Bài 2: Kết hợp 20 bông hoa cúc bách nhật tươi với 5 lá ba diệp. Sắc uống
  • Bài 3: Sắc hoa cúc bách nhật với kim tiền thảo lấy nước chia uống 3 lần. Liều dùng mỗi vị là 30g.
  • Bài 4: Dùng 6g hoa và 9g rễ cúc bách nhật nấu kỹ. Gạn nước uống
  • Bài 5: Chuẩn bị 15g hoa cúc bách nhật, nga bất thực thảo và cam thảo dây mỗi vị 30g. Dùng thuốc theo hình thức sắc uống.
  • Bài 6: Mỗi ngày sắc uống 1 thang thuốc bao gồm các vị: Cúc bách nhật, tỳ bà diệp, hạnh nhân mỗi thứ 10g, ma hoàng sao 6g.

6. Cải thiện thị lực

  • Chuẩn bị: Cỏ nhọ nồi, hoa cúc bách nhật, chử thực tử mỗi vị 10g, quốc lão 15g.
  • Cách dùng: Các vị trên gộp lại sắc uống

7. Điều trị bệnh cao huyết áp

  • Chuẩn bị: Hoa cúc bách nhật và cúc hoa mỗi thứ 15g, mạch môn, kẹp thảo, tang diệp mỗi thứ 10g, mạch hạ khô 30g.
  • Cách dùng: Mỗi ngày sắc 1 thang lấy nước đặc. Chia thuốc sắc làm 2 – 3 lần dùng.

8. Điều trị bệnh kiết lỵ

  • Bài 1: Lấy 10 bông hoa cúc bách nhật sắc kỹ. Khi uống hòa thêm một chút rượu vang vào trong thuốc sắc.
  • Bài 2: Kết hợp các vị trần bì, hoa cúc bách nhật mỗi thứ 15g, thược dược 20g, mộc hương 6g. Sắc uống đều đặn 1 thang mỗi ngày

9. Chữa bệnh đau mắt đỏ

  • Chuẩn bị: Cúc hoa và tang diệp mỗi vị 15g, hoa cúc bách nhật 10g.
  • Cách sử dụng: Đun sôi kỹ lấy nước chia uống 2 lần thay trà

10. Điều trị tiểu tiện không thông

  • Chuẩn bị: 9g bông cúc bách nhật
  • Cách sử dụng: Sắc dược liệu theo liều lượng như trên uống làm 3 lần trong ngày

11. Chữa khóc dạ đề cho trẻ em

  • Chuẩn bị: 5 bông cúc bách nhật tươi, 3 cái xác ve sầu (thuyền thoái), 3g cúc hoa.
  • Cách sử dụng: Sắc thuốc cho bé uống

12. Điều trị chướng bụng ở trẻ em

  • Bài 1: Dùng 6 – 9g dược liệu khô sắc uống
  • Bài 2: Kết hợp 6g lai phục tử với 5g bông cúc bách nhật. Sắc thuốc cho trẻ uống mỗi ngày 1 thang.

13. Chữa chứng kinh phong cho trẻ em

  • Chuẩn bị: 10 hoa cúc bách nhật, 7 con cào cào ( phơi khô)
  • Cách sử dụng: Sắc cả hai vị đã chuẩn bị. Gạn nước cho bé uống. Nếu không có cào cào thì có thể thay thế bằng 6g dược liệu sắc uống độc vị.

14. Điều trị tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng ở trẻ em

  • Chuẩn bị: Bạch truật, cát căn (sao vàng), bạch linh mỗi vị 12g, bông cúc bách nhật 6g, hạt mã đề 10g.
  • Cách sử dụng: Sắc lấy nước cho bé dùng

15. Điều trị viêm loét ngoài da

  • Chuẩn bị: 15 – 30g cúc bách nhật
  • Cách sử dụng: Dùng dược liệu nấu nước rửa vùng da bị bệnh hoặc sắc uống.

16. Điều trị bệnh ho gà

  • Bài 1: Lấy 19g hoa cúc bách nhật bỏ vào ấm sắc chung với 15g nga bất thực thảo. Thuốc sắc xong gạn ra, thêm một chút đường phèn vào, hòa tan, chia uống 3 lần.
  • Bài 2: Chuẩn bị bạch cương tàm, câu đằng và hoa cúc bách nhật mỗi vị 10g, bối mẫu 6g, bách bộ (sao vàng) 6g. Tất cả sắc chung uống mỗi ngày 1 thang cho đến khi hết ho.
  • Bài 3: Chuẩn bị lá húng chanh và cúc bách nhật mỗi vị 6g, đu đủ 4g, trần bì ( vỏ quýt ) 5g. Sắc thuốc lấy 150ml nước. Chia uống 3 lần liên tục 1 tuần liền để cải thiện các triệu chứng bệnh.

Lưu ý khi dùng cúc bách nhật chữa bệnh

  • Người bị huyết áp thấp
  • Đối tượng bị dị ứng với một trong các thành phần của cúc bách nhật

Tóm lại, cúc bách nhật có tác dụng hạ huyết áp, trị tiêu lỏng ở trẻ em, giảm ho, chữa hen suyễn. Vị thuốc này thường được sử dụng theo hình thức sắc uống độc vị hoặc phối hợp với các thảo dược khác. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cúc bách nhật chữa bệnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *