Rau tàu bay là cây gì?
- Tên khác: Kim thất
- Tên khoa học: Crassocephalum crepidioides
- Họ: Cúc Asteraceae
Cây kim thất là loại cây mọc hoang thường tập trung ở các vùng khí hậu nhiệt đới như Châu Phi và Châu Á. Ngoài ra, cây còn phân bố ở các đảo ở đông nam Địa Trung Hải, một số bang của Mỹ hoặc ở quần đảo Cook,… Ở Việt Nam, cây thường được tìm thấy ở các bãi hoang sau rẫy hoặc ở các vùng đồi núi.
Lá và ngọn rau tàu bay được dùng làm dược liệu.
Thành phần chính của rau tàu bay chủ yếu là nước chiếm 80%. Ngoài ra, rau còn chứa hoạt chất khác với hàm lượng thấp như gluxit, protid, vitamin và chất khoáng (sắt).
Thu hái rau tàu bay: Quanh năm. Sau khi hái xong, rửa sạch và phơi khô.
Đặc điểm nhận dạng cây rau tàu bay
Rau tàu bay là loại cây thảo có thân mập. Thân cây rãnh, có chiều cao từ 0.4 – 0.5 m nhưng có một số cây cao tới 1 m. Lá hình trứng dài, to và mỏng, mép lá có răng cưa.
Hoa lưỡng tính, tự hình đầu, mọc thành cụm, có màu hồng nhạt đến đỏ nâu hoặc nâu. Cây có quả bé, hình thoi và thường có lông.
Rau tàu bay có tác dụng gì?
Tính vị: Tính mát và vị hơi đắng
Theo nghiên cứu vào năm 2005 của hai nhà khoa học Nhật Bản là Tomoyuki Koyama, Yoko Aniya và công sự cho biết, trong rau tàu bay chứa một số hoạt chất có hoạt tính chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào gan khỏi các chất gây hại. Nghiên cứu này đã thử nghiệm trên chuột và chứng minh, các thành phần hóa học tìm thấy trong tàu bay có tác dụng chống lại nhiễm độc gan do CCl4 và LPS gây ra.
Theo Đông y, rau tàu bay có những công dụng chính như:
- Giúp cung cấp dưỡng chất cần thiết, bồi bổ cơ thể
- Có tác dụng làm mát và bảo vệ gan
- Ngăn ngừa tăng men gan
- Dự phòng và hỗ trợ điều trị ưng thư hình thành và phát triển
- Chữa bướu cổ, phì đại hoặc u xơ tuyến tiền liệt
- Điều trị đau nhức xương ở người già
- Cải thiện tiêu chảy ở trẻ em
- Có tác dụng cầm máu và chữa lở ghẻ hoặc bị đỉa cắn
Ngoài những tác dụng này ra, rau tàu bay còn mang lại nhiều lợi ích tốt đối với phụ nữ đang cho con bú như:
- Hỗ trợ tăng tiết sữa, giúp mẹ có nhiều sữa cho bé bú
- Thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đồng thời làm tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng ở mẹ
- Giúp làm giảm đau nhức xương khớp
- Có tác dụng cầm máu ở vết mổ cho phụ nữ sinh mổ
- Với tính chất kháng viêm, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm vùng kín ở phụ nữ vừa mới sinh
Liều lượng, cách dùng rau tàu bay
Rau tàu bay có thể dùng dưới dạng thuốc đắp, sắc hoặc nấu ăn. Liều dùng đối với tàu bay khô là 30 gram.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ rau tàu bay
- Chữa bệnh bướu lành và bướu cổ: Sử dụng 30 gram rau tàu bay khô và 30 gram cây xạ đen khô sắc với 1.2 lít nước. Sau khi nước thuốc cạn còn 500 ml, chia thuốc làm 3 và uống trong ngày. Để thuốc đem lại kết quả cải thiện bệnh hiệu quả, bạn nên kiên trì sử dụng từ 3 – 4 tuần.
- Điều trị phì đại (u xơ) tuyến tiền liệt: Để cải thiện tình trạng đau nhức hoặc tiểu buốt, khó chịu do bệnh phì đại tuyến tiền liệt gây nên, bạn nên dùng 30 gram rau tàu bay khô sắc chung với 10 – 15 gram náng hoa trắng và uống hàng ngày.
- Trị côn trùng hoặc rắn, rết cắn: Sử dụng 1 nắm lá rau tàu bay tươi, rửa sạch và giã nát. Sau đó dùng phần bã đắp lên chỗ bị thương. Đắp liên tục 2 – 3 ngày để giảm sưng và đau.
- Giải độc cơ thể,tăng cường sức khỏe và phòng ngừa ung thư: Dùng rau kim thất nấu canh hoặc luộc ăn 2 – 3 lần mỗi tuần
- Giảm đau khớp, cầm máu và kháng khuẩn, kháng viêm: Rau tàu bay tươi sau khi rửa sạch giã nát và đắp lên vùng xương khớp bị đau nhức hoặc nơi có vết thương bị sưng.
- Rau tàu bay điều trị sốt: Sử dụng 10 – 15 gram rau tàu bay khô sắc nước và uống. Uống liên tục 2 – 3 ngày, triệu chứng sốt sẽ thuyên giảm một cách đáng kể.
- Chữa tiêu chảy hoặc lỵ ở trẻ nhỏ: Dùng lá tàu bay tươi hoặc khô sắc lấy nước và cho trẻ uống mỗi ngày giúp cải thiện triệu chứng tiêu chảy ở con trẻ.
Tóm lại, rau tàu bay thường sử dụng để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ điều trị các bệnh lý như phì đại tuyến tiền liệt và bướu cổ. Rau tàu bay nếu biết cách sử dụng không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn ngăn ngừa ung thư. Tuy nhiên, bạn nên chú ý liều lượng trong quá trình dùng. Bởi rau có chứa độc tính, nếu dùng quá liều có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.